Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ ba, 10/09/2024 , 02:27 am
Cập nhật : 14/12/2022 , 19:12(GMT +7)
Ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đắk Nông
Mô hình bón phân thông qua nước tưới cho cây cà phê vối tại huyện Đăk Mil
Trong thời gian qua, hầu hết các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) của Trung tâm Thông tin, Kỹ thuật và Ứng dụng khoa học công nghệ, Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông được triển khai đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương. Do vậy, kết quả nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao KH&CN gắn sát với thực tiễn nhằm nâng cao được giá trị sản phẩm sản xuất, góp phần thúc đẩy hoạt động KH&CN và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trung tâm Thông tin, Kỹ thuật và Ứng dụng khoa học công nghệ (Trung tâm) tiền thân là Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Đăk Nông. Thời gian qua, Trung tâm đã và đang thực hiện nhiều đề tài, dự án và nhiệm vụ KH&CN các cấp, tập trung trong các lĩnh vực chủ yếu: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất một số sản phẩm đặc trưng,... đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất.

Thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia

Bộ KH&CN đã và đang hỗ trợ cho Trung tâm triển khai thực hiện 09 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến là: 

Dự án “Xây dựng vườn nhân giống cây ăn quả và mô hình sử dụng chất hữu cơ giữ ẩm cho cây trồng trên đất dốc tại xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông” triển khai tại thành phố Gia nghĩa, tỉnh Đăk Nông với mục tiêu sử dụng chất giữ ẩm nhằm mục đích tiết kiệm thời gian tưới và lượng nước tưới trên một đơn vị diện tích cây trồng và tiếp nhận các quy trình công nghệ nhân giống cây ăn quả các loại, lư trữ các cây giống đầu dòng nhằm chủ động về nguồn giống có chất lượng cao và giá trị kinh tế lớn. 

Dự án “Áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng tại tỉnh Đắk Nông” (2012 – 2014): hiện Trung tâm đã lưu giữ và thường xuyên nhân giống 08 chủng vi sinh vật đa chức năng ứng dụng trong sản xuất chế phẩm men ủ vi sinh vật (BiO - Acti) và chế phẩm vi sinh vật dùng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh (BiO - Azo) tại phòng thí nghiệm. Trung bình hàng năm Trung tâm sản xuất khoảng 1000kg chế phẩm vừa sử dụng cho hoạt động nông nghiệp tại Trung tâm, đồng thời vừa cung cấp cho thị trường.

Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ Gấc lai bền vững tại tỉnh Đắk Nông”. Kết quả dự án đã xây dựng thành công mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ giống gấc lai tại địa bàn 2 huyện Cư Jut và Krông Nô (quy mô 30ha); năng suất bình quân đạt 19,4 tấn/ha/năm, sản xuất gấc theo hướng Global GAP. Mô hình thu hoạch và chế biến quy mô 600 tấn quả gấc tươi mỗi năm. Đặc biệt các sản phẩm gấc lai của các hộ dân tham gia mô hình của dự án đều được đảm bảo bao tiêu sản phẩm sau trồng nên được người dân vùng dự án ủng hộ rất nhiệt tình và ngày càng phát triển với quy mô lớn. 

 

Mô hình trồng gấc lai thương phẩm tại huyện Cư Jut và Krông Nô

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình bón phân thông qua nước tưới cho cà phê vối tại tỉnh Đắk Nông” thực hiện năm 2020 - 2022. Thông qua dự án đã lắp đặt 10 mô hình hệ thống tưới nhỏ giọt (quy mô 02 ha/mô hình) cho cây cà phê vối tại huyện Đắk Mil. Các mô hình hệ thống hoạt động tốt, giúp tiết kiệm được chi phí công lao động và giảm thiểu lượng nước tưới rất lớn cho các hộ dân sản xuất cà phê. Dự án có tiềm năng mở rộng cho nhiều hộ dân cùng tham gia ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người sản xuất. 

Dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan Hồ điệp, hoa Đồng tiền tại tỉnh Đắk Nông” khai từ cuối năm 2021 – 2024. Mục tiêu đặt ra của dự án là Trung tâm trực tiếp tiếp nhận làm chủ các quy trình công nghệ trong nhân giống hoa lan Hồ điệp, hoa Đồng tiền bằng nuôi cấy mô tế bào; công nghệ sản xuất hoa lan Hồ điệp, hoa Đồng tiền thương phẩm trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao; đồng thời xây dựng mô hình sản xuất hoa lan Hồ điệp trong nhà lưới quy mô 20.000 cây và mô hình sản xuất hoa Đồng tiền trong nhà lưới quy mô 40.000 cây. Dự án mở ra là một trong những hướng đi mới của Trung tâm, là cơ hội đầu tư tăng cường năng lực, tiềm lực về kỹ thuật và công nghệ ngày càng phát triển; ứng dụng thành công các quy trình công nghệ sản xuất ra sản phẩm hoa chất lượng cao phù hợp với điều kiện của địa phương, phục vụ cho nhu cầu thị trường trong các dịp lễ, tết. 

Ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương

Bên cạnh các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, Trung tâm đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp tỉnh, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, tập trung ưu tiên vào các sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương nên đã phát huy được kết quả cao trong sản xuất. Tiêu biểu trong các nhiệm vụ có thể nói đến như:

Đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật xử lý vỏ quả cà phê, vỏ và cùi ngô làm phân bón đã chuyển giao các quy trình công nghệ sử dụng chế phẩm vi sinh vật giúp người dân xử lý nguồn vỏ cà phê và cùi ngô có sẵn để làm phân bón hữu cơ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và tạo ra nguồn phân bón tại chỗ, giảm chi phí đầu tư phân hóa học cho người dân, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất cây Lan gấm tại tỉnh Đăk Nông” đã nghiên cứu thực hiện nhân giống được hơn 12.000 cây invitro có độ đồng đều cao, sạch bệnh và ra ngôi trồng trên giá thể dớn sinh trưởng phát triển khá tốt. Đây là loài cây dược liệu đặc biệt có nhiều công dụng tốt tăng cường sức khỏe. Hiện tại Trung tâm vẫn đang lưu giữ nguồn gen cây Lan gấm tại phòng thí nghiệm, sẵn sàng có thể cung cấp cho thị trường khi có nhu cầu.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất một số loại hoa có giá trị cao tại tỉnh Đắk Nông” triển khai nhằm tiếp nhận các quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản hoa trồng chậu với nhiều chủng loại đang được thị trường ưa chuộng, bao gồm: 3.000 chậu hoa hồng, 3.000 chậu hoa lyli, 5.000 chậu hoa cát tường phục vụ thị trường hoa trưng bày vào dịp lễ, tết tại địa phương và thị trường ngoài tỉnh. Dự án được triển khai có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức, quản lý khoa học và là một trong những nền tảng để phát triển ngành sản xuất hoa thương phẩm của địa phương.

Trung tâm phối hợp với Viện Bảo vệ Thực vật Hà Nội nghiên cứu thí nghiệm tìm ra nguyên nhân gây bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây Hồ tiêu tại Đăk Nông và đưa ra các biện pháp phòng trị hiệu quả. Từ đó góp phần đem lại lợi ích kinh tế xã hội địa phương vì Hồ tiêu là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của của Đăk Nông.

Một trong những sản phẩm đặc trưng của Trung tâm không thể không nói đến đó là sản phẩm Rượu của đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm rượu đặc trưng tỉnh Đắk Nông”. Đây là một trong những nền tảng để cải tiến, phát triển ngành sản xuất rượu truyền thống hướng đến mục tiêu an toàn sức khỏe người dân. Các quy trình kỹ thuật chuyển giao đã được thử nghiệm và mở rộng quy mô với tính ổn định cao nên khi đề tài kết thúc có thể nhân rộng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất rượu truyền thống tại Đắk Nông. Sự thành công của đề tài sẽ là cơ sở tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về công nghệ trong tương lai.

Sản phẩm nấm linh chi đỏ

Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn

Trước nhu cầu thị trường đang ngày càng phát triển về thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, Trung tâm đang đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của tỉnh trong những năm đến, đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Trong thời gian vừa qua, thông qua các nhiệm vụ KH&CN, Trung tâm đã tiến hành xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình trồng cà chua Doufu trên giá thể đạt tiêu chuẩn VietGap với quy mô 350 cây/150m2 nhà lưới (sản lượng bình quân đạt 5kg quả/cây; tổng sản phẩm thu được là 1.750kg quả tươi/vụ). Khi nắm vững được quy trình sản xuất cà chua, Trung tâm tiếp tục mở rộng trồng hơn 1.000 cây cà chua bi Chocolate 777 và Dưa leo baby trên giá thể theo hướng VietGap và đã đạt được kết quả rất khả quan. Ngoài ra, Trung tâm còn thiết lập hệ thống trồng rau thủy canh trong nhà lưới quy mô 1.500 bầu/vụ (năng suất đạt khoảng 120kg rau/vụ; đến nay đã sản xuất được hơn 1.200 kg rau ăn lá các loại). Việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới hiện đại với quy mô lớn nhằm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, ngày càng đa dạng hóa sản phẩm, đây cũng chính là hướng đi cần thiết phù hợp trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai cùng với xu thế phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Đáng chú ý, năm 2021, Sở KH&CN tỉnh Đăk Nông đã quan tâm hỗ trợ đầu tư cho Trung tâm trực tiếp tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc 4.500 cây hoa Lan hồ điệp nuôi cấy mô với nhiều loại giống (màu trắng V3, màu tím Anna - cây 15 tháng tuổi) và 1.000 cây hoa Lan hồ điệp nuôi cấy mô (6 tháng tuổi) được trồng tại nhà lưới. Đây là một trong những kết quả nổi bật thành công về ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm hoa có chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Là cơ sở, động lực thúc đẩy để phát triển mở rộng sản xuất trong thời gian tiếp theo. Sự thành công của nhiệm vụ bước đầu đã mang lại giá trị kinh tế thiết thực và góp phần nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của Trung tâm.

Song song với việc phát triển ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm còn chú trọng phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học. Thường xuyên thực hiện cấy chuyển, lưu giữ các loại cây giống nuôi cấy mô: Lan gấm, Nấm Linh chi đỏ; Hoa cúc (Art, Farm vàng, Kim cương); Khoai lang siêu năng suất (HNV1, HNV2), khoai lang Nhật Bản; 08 chủng vi sinh vật phục vụ sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng tại phòng thí nghiệm. 

Thông qua triển khai các chương trình dự án, đề tài, nhiệm vụ đến nay Trung tâm làm chủ được các quy trình công nghệ, tiêu biểu như: Quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh vật dạng dịch và dạng bột để sản xuất các chế phẩm VSV; Quy trình sản xuất phân hữu cơ VSV đa chức năng phục vụ nhu cầu địa phương; Quy trình công nghệ sản xuất các cây giống nuôi cây mô hoa cúc, khoai lang Nhật Bản, Lan Gấm; Quy trình công nghệ nhân, lưu giữ các giống nấm, các chủng vi sinh vật đa chức năng; Quy trình sản xuất giống, trồng thương phẩm, thu hoạch và sơ chế Gấc lai; Quy trình sản xuất nấm Linh chi đỏ; Quy trình sản xuất cà chua Doufu, cà chua chocolate đạt tiêu chuẩn VietGAP; Quy trình sản xuất bột bơ từ quả bơ tươi; Quy trình sản xuất một số loại rau ăn lá bằng phương pháp thủy canh; Quy trình kỹ thuật tưới phân thông qua tưới nước cho cây cà phê; Quy trình chăm sóc cây Hoa lan hồ điệp; hoa hồng, hoa lily, hoa cát tường…

Dựa vào các quy trình kỹ thuật công nghệ được tiếp nhận và làm chủ, Trung tâm đã chủ động phối hợp achuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân tại các xã/phường/thị trấn theo nhu cầu địa phương.

Lê Hà


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner