KH&CN địa phương Thứ năm, 25/04/2024 , 05:59 pm
Cập nhật : 27/09/2019 , 14:09(GMT +7)
Hà Nội: Thúc đẩy liên kết chuỗi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội tham quan các gian trưng bày tại Hội chợ
Từ khi thực hiện nông thôn mới, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, toàn thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, tạo sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bảo đảm đầu ra ổn định...

Hà Nội sẵn sàng cho chặng đường mới

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Thông qua thực hiện Chương trình, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện...

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, từ năm 2010 đến 2018, tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp Thủ đô đạt 3,34%/năm; sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển dịch rõ nét.

Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 ước đạt 259 triệu đồng/ha, vượt trước 2 năm mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 126 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm).

Về xây dựng nông thôn mới, thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 (13 triệu đồng/người/năm). Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 58 triệu đồng, Gia Lâm 48,9 triệu đồng, Đông Anh 47 triệu đồng...

Đến nay, thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%), tạo thuận lợi cho người dân tổ chức sản xuất, giảm ngày công, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Theo kế hoạch trong thời gian tới, đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3 – 3,5%/năm trở lên, phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng, minh chứng cho sự chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng của nông nghiệp Hà Nội. Đến nay toàn thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Hà Nội đã có 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Các chuỗi có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng xây dựng được trên 40 nhãn hiệu tập thể được bảo hộ, điển hình là: Gà đồi Ba Vì – Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, nhãn Đại Thành...

Toàn cảnh Hội nghị

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thành công đầu tiên là thành phố đã hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới. Tiếp đến là hoàn thành cơ bản công tác dồn điền, đổi thửa và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp - một vấn đề rất khó và phức tạp. Dồn điền, đổi thửa thành công mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao kết quả Hà Nội đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02- CTr/TU của Thành ủy.

Thủ tướng khẳng định, Hà Nội đã đóng góp kinh nghiệm hay cho cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đây chính là nơi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với quy mô nhiệm vụ lớn nhất cả nước khi có tới 17 huyện, 386 xã trên diện tích ngoại thành hơn 2.230 km2, số dân 4,1 triệu người ở nông thôn (tức khoảng 1/2 dân số Thủ đô sống ở nông thôn).

Tôn vinh nét đẹp trong văn hóa, truyền thống nghề nghiệp của những con người, vùng đất của Hà Nội, Thủ tướng nhắc đến câu ca dao “Xứ Đoài là đất trăm nghề/Đi buôn làm thợ đề huề tinh tươm” và đề nghị thành phố có nhiều hành động hơn nữa để bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa khu vực nông thôn. Đặc biệt, thành phố cần xây dựng một nền nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng, quốc gia về công nghệ, dịch vụ, về chuỗi giá trị gia tăng, chế biến, đặc biệt là việc tổ chức thương mại nội địa, xuất khẩu.

Yêu cầu “Nông thôn Hà Nội phải đi trước, đứng đầu trong áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng mong muốn Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa các trung tâm đô thị vệ tinh; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị. Nông thôn Hà Nội cần gìn giữ văn hóa truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến, thanh lịch, sâu sắc và bản sắc. Nông nghiệp Hà Nội phải trở thành một nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực và trên thế giới; tiếp tục xây dựng vùng nông thôn xanh, đẹp, một miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh đất trăm nghề gắn với các lễ hội, nét đẹp văn hóa, để cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng tạo nên không gian du lịch hấp dẫn trong bức tranh tổng thể phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, cần xác lập vai trò, vị thế của người nông dân, chủ thể nông thôn.

Bài, ảnh: Diệu Huyền

 

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner