KH&CN địa phương Thứ năm, 09/05/2024 , 07:21 am
Cập nhật : 25/06/2022 , 12:06(GMT +7)
Bước ngoặt để kích hoạt kinh tế - xã hội, đánh thức tiềm năng ĐBSCL
ĐBSCL là không gian kinh tế đầu tiên trong cả nước thực hiện quy hoạch tích hợp cấp vùng
Liên kết Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa "Nhà nước – Thị trường – Xã hội", kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới.

Theo nhiều chuyên gia, Quy hoạch sẽ là bước ngoặt để kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long được kích hoạt, tiềm năng sẽ được đánh thức, nhờ những vấn đề nội tại dần được khắc phục, cơ hội mới được mở ra.

Đồng bằng sông Cửu Long là không gian kinh tế đầu tiên trong cả nước thực hiện quy hoạch tích hợp cấp vùng. Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến Đầu tư có ý nghĩa quan trọng, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đất này. Quy hoạch nhất quán quan điểm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và lấy hệ sinh thái tự nhiên, "con người" làm trung tâm. 

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 diễn ra tại Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, quy hoạch nông nghiệp hướng đến tính tổng thể, chiến lược, chứ không chỉ là "phép cộng công thức" đơn thuần. Quy hoạch có tính "mở", tính linh hoạt tương đối, để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng, với những câu hỏi kinh tế học từ trăm năm nay: "Sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào?" Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương có thể chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển trong không gian có sự điều phối cả vùng. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng không gian phát triển không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt. Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế là mệnh lệnh cấp thiết phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sản xuất nông nghiệp ít nhiều tác động đến biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới, COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia có nền kinh tế cân bằng các-bon. Nếu nói biến đổi khí hậu là một thách thức, thì từ góc nhìn tích cực, khi giải quyết được thách thức này, lại tạo ra thương hiệu cho Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù chịu tác động lớn của thiên nhiên, nhưng biết cách chủ động thích ứng, và phát triển một cách thông minh, hài hòa, thuận thiên.

Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp "đa tầng, đa giá trị, thuận tự nhiên" gần đây đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong Vùng: Mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải, mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, một doanh nhân nước ngoài đã từng nói với tôi: "Nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác từng địa phương riêng rẽ, nhưng chắc chắn đều biết đến Mekong Delta – Đồng bằng sông Cửu Long". Liên kết Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa "Nhà nước – Thị trường – Xã hội", kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới.

Gần đây, nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đã triển khai những dự án quy mô có tính liên tỉnh, hứa hẹn sẽ kích hoạt tiềm năng cùng lúc cho nhiều địa phương. Đó là những tín hiệu lạc quan minh chứng cho sự sáng tạo, năng động và sức sống của Đồng bằng. Vấn đề là chúng ta cần nối kết, lan toả những giá trị đó. Khi ấy, mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng biệt, sẽ đóng góp chủ động, hài hoà vào tổng thể không gian kinh tế chung. Khi ấy, Đồng bằng sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động. 

Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nêu ý kiến trong quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long có dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao mà theo Tập đoàn Lộc Trời, nếu làm tốt theo quy hoạch, xây dựng và vận hành dự án theo tư duy kinh tế ngành thì chắc chắn sẽ tạo ra sự đột phá có tính bước ngoặt cho nền kinh tế lúa gạo. Từ đó góp phần quan trọng vào an ninh lương thực, đời sống người nông dân trồng lúa ngày càng được nâng cao, nông thôn ngày càng văn minh và ngày càng đáng sống hơn.

Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời tin tưởng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ trở thành nguồn cung cấp lúa gạo chất lượng cao, bền vững và tạo ra lợi nhuận ổn định cho bà con nông dân thông qua tăng năng suất lao động, giải phóng lao động nông nghiệp, ổn định kinh tế, xã hội và an ninh nông thôn, đặc biệt là không chỉ đảm bảo an ninh lương thực và còn đưa Đồng bằng sông Cửu Long trở thành ruộng lúa của thế giới.

Bài, ảnh: PV

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner