Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 11/05/2024 , 09:46 am
Cập nhật : 17/05/2017 , 16:05(GMT +7)
Việt Nam với cách mạng công nghiệp 4.0
Thế giới phẳng hơn nhờ ứng dụng internet
Việt Nam không nằm ngoài tác động của làn sóng công nghệ mới. Các đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa và công nghệ in đang làm đảo ngược dòng thương mại. Do đó, tập trung thực hiện các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia; các chương trình đổi mới công nghệ, Phát triển công nghệ cao, Sản phẩm quốc gia... là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cấp thiết.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết như trên tại Hội thảo “Đổi mới công nghệ và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh” diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh.

Đón nhận làn sóng công nghệ mới

Sự phát triển trong công nghệ sản xuất đã mang đến những thay đổi to lớn trong lịch sử phát triển của nhân loại. Từ sự thay thế lao động thủ công bằng máy hơi nước, đến sản xuất theo dây chuyền và tự động hóa toàn bộ nhà máy nhờ công nghệ điện tử và tin học.

Hiện nay, chúng ta đang đón nhận làn sóng công nghệ mới với sự kết hợp của kết nối số hóa – vật lý – sinh học, với khả năng tạo ra các thay đổi toàn diện trong hoạt động sản xuất cũng như sự vận hành của toàn bộ nền kinh tế - xã hội, có thể xóa mờ ranh giới giữa thực và ảo, giữa tự nhiên và nhân tạo, thậm chí, có khả năng thay thế cả các hoạt động về trí tuệ.

Sản xuất thông minh giúp gia tăng và mở rộng độ linh hoạt, cho phép tạo ra các sản phẩm được cá nhân hóa đền từng người dùng với chi phí cạnh tranh. Hệ thống thiết bị tự động hóa, cảm biến và công nghệ internet vạn vật (IoT) cho phép giám sát, điều khiển từng thiết bị cũng như toàn bộ nhà máy theo thời gian thực tại bất cứ đâu trên thế giới. Công nghệ dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo sẽ tối ưu hóa toàn bộ quá trình sản xuất, dự đoán chính xác thời điểm bảo trì để tiết kiệm tối đa chi phí và tăng hiệu quả cạnh tranh của doanh nghiệp.

Làn sóng công nghệ mới sẽ tạo ra các tác động cả về phía cung và phía cầu sản phẩm/dịch vụ. Từ đó, tạo ra sự phát triển của các nền tảng công nghệ mới, thay thế dần cấu trúc ngành công nghiệp hiện có. Sự gia tăng tỉ lệ tự động hóa giúp các công ty sản xuất toàn cầu có cơ hội đưa sản xuất về lại nước mình, giành lại các công việc từ các nước có giá nhân công thấp. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ cũng cho phép tạo ra cản sản phẩm/dịch vụ với đầu tư ban đầu có thể không lớn, nhưng lợi nhuận thu về cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hình thành.

Với những cơ hội và thách thức chưa có tiền lệ mà làn sóng công nghệ mới sẽ mang tới. Một số quốc gia trên thế giới đã sớm có các chiến lược để tiếp cận và đón nhận làn sóng này. Từ năm 2011, CHLB Đức đã đưa ra Chiến lược công nghiệp 4.0, tạo ra khuôn khổ chính sách chặt chẽ để duy trì khả năng cạnh tranh công nghiệp với các giải pháp như thu hút lao động nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp.

Năm 2011, Tổng thống Hoa Kỳ cũng công bố chương trình “Hợp tác sản xuất tiên tiến” nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh của hàng hóa thông qua ứng dụng công nghệ mới. Tại Nhật Bản, với chủ trương phát triển một cách căn cơ nguồn nhân lực trình độ cao, vào đầu tháng 6/2016, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông qua chương trình giáo dục mới, trong đó, buộc các học sinh phải học lập trình ngay từ cấp 2. Chính phủ Trung Quốc đưa ra chiến lược quốc gia “Made in China 2025”, trong đó tập trung đẩy mạnh sản xuất với những công nghệ sản xuất mới nổi để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Cơ sở bước đầu để Việt Nam tiếp cận CMCN 4.0

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Việt Nam không nằm ngoài tác động của làn sóng công nghệ trên. Các đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa và công nghệ in 3D đang làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam do làm giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ. Do đó, tập trung thực hiện các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia; các chương trình đổi mới công nghệ, Phát triển công nghệ cao, Sản phẩm quốc gia... là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cấp thiết.

Theo thống kê của Standard & Poor, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người chỉ là 2.200 USD, nhưng cũng đã tham gia khá sâu và rộng trong lĩnh vực Internet và truyền thông.

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam đã đạt 52% dân số. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về thời gian sử dụng Internet với 5,2 giờ mỗi ngày, đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội (thống kê của wearesocial.net).

Hiện tại, 55% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại di động. Với một chiếc điện thoại được kết nối Internet, chúng ta có thể được cập nhật các tin tức thời sự xã hội tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Việt Nam đang được tận hưởng những công nghệ mới nhất của thế giới trong lĩnh vực truyền thông di động. Đây cũng là cơ sở bước đầu để Việt Nam tham gia vào cuộc CMCN 4.0

“Có 2 lĩnh vực được nhắc đến trong CMCN 4.0 thuộc về y học là cấy ghép và in 3D thì Việt Nam đã có được những thành tựu nhất định. In 3D còn được gọi là công nghệ “chế tạo cộng”. Nó khác với công nghệ sản xuất vật liệu thông thường ở chỗ không phải gọt giũa phôi (chế tạo trừ) để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, ngược lại nó được chế tạo theo từng lớp, bổ sung dần dần cho đến khi khi sản phẩm hoàn thiện. Công nghệ in 3D đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, tuy nhiên do giá thành thiết bị khá đắt đỏ nên chưa ứng dụng được nhiều”, PGS.TS. Tạ Cao Minh, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo Công nghệ (CTI), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay.

Giải pháp quản lý cửa hàng bán lẻ xăng dầu thu hút sự quan tâm của đại biểu bên lề Hội thảo "Đổi mới công nghệ và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh"

Hiện nay, in 3D đã được ứng dụng tại Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, mỹ thuật, y học đến kiến trúc, xây dựng. Thành tựu nổi bật nhất là vào năm 2016, các bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã in một mảnh sọ nhân tạo bằng methyl methacrylate để vá sọ cho một bệnh nhân với một lỗ thủng trên hộp sọ rộng gần 140 mm.

Việt Nam cũng đã có những tiến bộ trong việc cấy ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư. Các bác sỹ đã làm khá thành tạo các ca phẫu thuật ghép thận, ghép tạng. Về mặt kỹ thuật, người Việt Nam có khả năng tiếp thu các công nghệ tiên tiến rất nhanh.

Trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), một trong những đặc trưng chủ yếu của CMCN 4.0, chúng ta cũng đã có những sản phẩm AI “Made in Vietnam”, chẳng hạn như “Hệ thống Săn dữ liệu mạng xã hội” của Lê Công Thành và các cộng sự thuộc Topica AI Labs. Hệ thống AI này được các ngân hàng, Tổng cục Du lịch và nhiều doanh nghiệp sử dụng để định vị thương hiệu. Một dự án AI khá thú vị khác là của TS. Nguyễn Tuấn Đức cùng các cộng  sự tại Alt Việt Nam đang phát triển một chatbot thay thế con người làm một số công việc như trả lời điện thoại, email, đặt lịch làm việc.

Việt Nam đang ở đâu?

PGS.TS. Tạ Cao Minh cho biết, trên các diễn đàn thường có các câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ công nghệ thế giới?”, hay “có thể có hay không một chỉ số đánh giá mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước nhà?”.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng (đường xá, cầu cống, bến cảng, sân bay) đã được tiến hành mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Các ngành công nghiệp Năng lượng và Vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, kính xây dựng, …) cũng được Nhà nước ưu tiên phát triển. Đối chiếu với các nước đã phát triển thì đó các các công đoạn của thời kỳ CMCN lần thứ nhất. Ngành đường sắt còn rất lạc hậu, tốc độ tầu thấp do khổ đường ray nhỏ, được Pháp xây dựng từ cách đây hơn 1 thế kỷ, nhưng vẫn thường xuyên có tai nạn do bị xung đột với giao thông đường bộ.

PGS. TS. Tạ Cao Minh cho rằng, đó chỉ là 1 ví dụ rất cụ thể cho thấy chúng ta vẫn đang ở vị trí của CMCN lần thứ nhất. Mặc dù đã có thể sản xuất điện từ lâu và đủ cung cấp cho công nghiệp và dân dụng, nhưng chúng ta chưa sản xuất được các chủng loại đa dạng động cơ, càng chưa sản xuất được các máy công cụ, động lực chính cho các dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt. Nhà máy chế tạo động cơ Việt – Hung mới chỉ chế tạo được động cơ không đồng bộ công suất nhỏ và vừa cho các ứng dụng đơn giản như bơm nước, quạt gió, băng tải.

Máy tính cá nhân, điện thoại di động được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam nhờ mạng lưới viễn thông khá tiên tiến trong khu vực. Chúng ta có quyền tự hào về năng lực của người Việt Nam và hệ thống CNTT. Tuy nhiên, để nói về CMCN lần thứ 3, thì rõ ràng là chưa. Trí tuệ Việt Nam mới được thể hiện ở công nghệ phần mềm. Dùng iPhone, iPad, Samsung, … chúng ta đang ở vai trò của người tiêu thụ và sử dụng các dịch vụ. Việc tự động hóa toàn diện sản xuất (điểm đặc trưng của CMCN3) là một điều còn xa với với công nghiệp Việt Nam.

Như vậy, trong khi phần lớn các thành phần của nền kinh tế quốc dân còn đang ở vị trí của CMCN lần thứ nhất, CMCN lần thứ 2, thì chúng ta đã có một số ngành cố gắng bắt kịp CMCN lần thứ 3 (CNTT, Viễn thông), và đã có một vài yếu tố của CMCN 4.0.

Bài, ảnh: Hà Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner