Năng lượng nguyên tử Thứ bảy, 27/04/2024 , 04:43 pm
Cập nhật : 28/12/2023 , 14:12(GMT +7)
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: Thúc đẩy nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng thực tiễn
TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN báo cáo tại Hội nghị.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) tiếp tục nỗ lực và hướng tới thúc đẩy nghiên cứu khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN nhấn mạnh như trên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Viện diễn ra chiều ngày 26/12/2023, tại Hà Nội.

 

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 (Ảnh: Ngũ Hiệp và Quang Linh).

Báo cáo Tổng kết công tác năm 2023, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng năm 2023 của Viện. 

Viện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về số lượng, chất lượng, với 48 nhiệm vụ các cấp được thực hiện, tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng ứng dụng năng lượng nguyên tử, đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng. Tổng số công trình công bố của toàn Viện năm 2023 là 353 công trình (bài báo), trong đó: 82 công trình đăng trên tạp chí quốc tế ISI; 21 công trình trên tạp chí SCOPUS và các tạp chí quốc tế khác; 82 công trình trên tạp chí quốc gia; 41 công trình tham gia hội nghị quốc tế; 123 công trình tham gia hội nghị trong nước; 04 sáng chế/giải pháp hữu ích; tham gia thực hiện một số nội dung của 04 sách chuyên khảo.

Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) đã vận hành an toàn và khai thác hiệu quả Lò phản ứng (LPƯ) Đà Lạt với 49 đợt, tổng thời gian hoạt động ở công suất danh định đạt 5.645 giờ (chỉ tiêu đặt ra là 30 đợt, 80-100 giờ/đợt); Tăng cường năng lực sản xuất thuốc phóng xạ nhằm đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện trong bối cảnh thiếu thuốc do không nhập khẩu được từ nước ngoài. Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) đã đảm bảo vận hành liên tục Mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Máy gia tốc Cyclotron 13 MeV tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (CXHN) đã chính thức đi vào hoạt động (sau hơn 10 năm vận hành thử nghiệm và xin cấp phép) sản xuất dược chất phóng xạ Vinatom FDG, là mảng dịch vụ mới của Trung tâm, cung cấp cho các bệnh viện lớn ở Hà Nội phục vụ chẩn đoán sớm bệnh ung thư. Năm 2023, Trung tâm CXHN đã sản xuất được hơn 100.000 mCi dược chất phóng xạ FDG cung cấp cho các bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bệnh viện K, Bệnh viện TWQĐ 103, Bệnh viện 19/8 và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, sử dụng để chẩn đoán hình ảnh PET/CT cho hơn 5.000 bệnh nhân.

Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã thắng thầu 03 gói thầu quốc tế về thiết kế, chế tạo thiết bị CT trong công nghiệp, do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mời thầu. Hiện nay, Trung tâm đã thực hiện xong 01 gói thầu cho Kuwait, 02 gói thầu còn lại cho Cộng hòa Séc và Angola sẽ được giao hàng trong năm 2024.

Năm 2023, mặc dù nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn khiêm tốn, tình hình kinh tế, chính trị thế giới nhiều biến động phức tạp, trong nước còn nhiều khó khăn, các hoạt động triển khai dịch vụ của các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN vẫn được duy trì tương đối ổn định. 

Năm 2023 - năm chủ đề về hợp tác quốc tế, Viện NLNTVN đã thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác quốc tế và thu được những kết quả nổi bật đáng ghi nhận: Viện tiếp tục triển khai thực hiện 02 dự án IAEA hỗ trợ Việt Nam VIE1010 về “Thúc đẩy chương trình phát triển an toàn lò phản ứng (Pha 3: Nâng cao năng lực quốc gia về phân tích an toàn và đánh giá rủi ro)” và VIE7006 về “Sử dụng đồng vị làm công cụ đánh giá tổng hợp điều kiện dòng chảy và sinh địa hóa hệ thống sông Hồng khu vực hạ lưu, thuộc địa phận Việt Nam”. Đồng thời, Viện NLNTVN là đầu mối triển khai 10 dự án khu vực Non-RCA (RAS) và 03 Dự án liên vùng (INT) cho tất cả các nước thành viên trong đó có Việt Nam. Viện NLNTVN tiếp tục giữ vai trò là một trong hai đầu mối quốc gia của Mạng An toàn hạt nhân Châu Á (ANSN) của IAEA giúp nâng cao năng lực về an toàn hạt nhân.

Chia sẻ về hướng hoạt động của Viện NLNTVN trong năm 2024, TS. Trần Chí Thành cho biết, các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN tiếp tục nỗ lực và hướng tới thực hiện tốt mọi nhiệm vụ đề ra và thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Viện tiếp tục đầu tư thông qua các đề tài/nhiệm vụ KH&CN các cấp cho các nhóm nghiên cứu đã có uy tín thuộc các lĩnh vực như: vật lý hạt nhân, vật lý nơtron, vật lý lò phản ứng, an toàn hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường, hóa học và sinh học phóng xạ… nhằm duy trì và phấn đấu hàng năm tăng cường các công bố khoa học trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín; Tiếp tục đẩy mạnh hướng nghiên cứu và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) trong các nghiên cứu cấu trúc và phản ứng hạt nhân, lĩnh vực an toàn hạt nhân, lĩnh vực nghiên cứu và phân tích số liệu đo quan trắc môi trường và phân tích chuẩn đoán hình ảnh trong lĩnh vực y học hạt nhân; Tiếp tục đầu tư xây dựng đội ngũ, nhóm nghiên cứu mạnh về mô phỏng tính toán phát tán chất phóng xạ trong môi trường không khí và môi trường nước (biển).

Về chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc vận hành và khai thác an toàn hiệu quả cho lò phản ứng mới, Viện tiếp tục duy trì và thúc đẩy các hướng nghiên cứu: thiết kế lò phản ứng nghiên cứu mới, thiết kế các kênh dẫn dòng neutron; Xây dựng hệ thực nghiệm mô phỏng bó nhiên liệu lò mới để đánh giá khả năng tải nhiệt và an toàn trong điều kiện sự cố của lò phản ứng nghiên cứu mới dùng nhiên liệu của Nga (Dự án CNST), mô phỏng tính toán phân tích an toàn; Nghiên cứu sản xuất các loại đồng vị mới; Điều chế dược chất phóng xạ, các dược chất mới, thử nghiệm, đưa vào sử dụng các dược chất mới chẩn đoán và điều trị ung thư; Nghiên cứu tính toán, thử nghiệm chiếu xạ silic trên lò Đà Lạt nhằm nâng cao năng lực, xây dựng đội ngũ, sau này triển khai sản xuất ở lò mới có công suất, thông lượng neutron cao hơn…

Năm 2024, Viện NLNTVN tiếp tục thúc đẩy ứng dụng, sản xuất, dịch vụ phục vụ các ngành kinh tế - xã hội như: Sản xuất các loại đồng vị và dược chất phóng xạ trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và trên máy gia tốc phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu dược chất phóng xạ sang Campuchia; Đẩy mạnh dịch vụ chiếu xạ thực phẩm, khử trùng y tế, và kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu sử dụng nguồn 60Co và máy gia tốc chùm tia điện tử. Nghiên cứu đưa thêm các sản phẩm mới vào chiếu xạ phục vụ xuất khẩu. Viện tiếp tục hỗ trợ công tác đo và chuẩn liều bức xạ và hoạt độ phóng xạ. Kiểm tra và đảm bảo chất lượng các thiết bị xạ trị, chẩn đoán bằng bức xạ của các Viện, các Trung tâm quốc gia và các Trung tâm khu vực về y học hạt nhân và xạ trị; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và NDT trong các ngành công nghiệp. Đồng thời, từng bước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu chế tạo máy gia tốc chiếu xạ và chiếu cáp điện tại Việt Nam phục vụ nhu cầu trong nước và khu vực; Phát triển ứng dụng các nguyên tố đất hiếm và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm kích thích tăng trưởng và bảo vệ thực vật...) và trong nuôi trồng thủy sản; Thúc đẩy dịch vụ phân tích, đánh giá, kiểm tra, mở rộng sang lĩnh vực công nghệ hóa học, nông nghiệp và bảo vệ môi trường; Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử, đưa kết quả nghiên cứu sớm vào cuộc sống...

Bài: Lê Hà


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner