Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 20/04/2024 , 05:21 pm
Cập nhật : 12/06/2017 , 14:06(GMT +7)
Ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ông Nguyễn Thanh Liêm bên vườn vải của gia đình (ảnh: PH)
Trong những năm gần đây, ngành khoa học và công nghệ ( KH&CN) cả nước đã và đang tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đổi mới hoạt động KH&CN của Đảng và Nhà nước. Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn nhằm hiện thực hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN vào cuộc sống trên hầu hết các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Đưa KH&CN đến với sản xuất

Theo đó, Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn nhằm hiện thực hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN vào cuộc sống như: Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tăng cường trách nhiệm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy công tác sở hữu trí tuệ,... Đặc biệt, quan tâm đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.

Nhằm hiện thực hóa những chính sách của Chính phủ trong phát triển ngành nông nghiệp, Bộ KH&CN đã triển khai một loạt các hoạt động hiệu quả như ký kết chương trình hợp tác KH&CN với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nội dung ký kết giữa hai bộ thống nhất trong giai đoạn 2016 - 2020 cần ưu tiên thực hiện hiệu quả một số chương trình trọng tâm như công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản;…

Bộ KH&CN cũng tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025. Tăng cường phối hợp các doanh nghiệp, viện trường trong công nghệ bảo quản sau thu hoạch,… để KH&CN thực sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết, các Sở KH&CN đã chủ động hơn trong công tác đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng, nhiều kết quả nghiên cứu đạt kết quả cao đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn tại địa phương. Nhờ sự quan tâm và xác định đúng vai trò của KH&CN trong sản xuất nông nghiệp nên thời gian qua nhiều địa phương đã chú trọng đầu tư trong lĩnh vực này và thu nhiều kết quả nổi bật.

Với lợi thế là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, trong thời gian qua, Sở KH&CN Bắc Giang đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16/8/2016 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020; trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang nhận định, địa phương xác định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và các vùng sản xuất chuyên canh, phù hợp với từng loại đất theo các vùng sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất của tỉnh. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi trong công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh. 

Bên cạnh đó, Sở KH&CN cũng đã tham mưu UBND tỉnh tiến hành các thủ tục đăng ký, bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại 6 quốc gia: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và 3 quốc gia đang trong quá trình xét nghiệm đơn (Mỹ, Úc, Malaixia). Trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm có ý nghĩa sống còn đối với sản phẩm và doanh nghiệp. 

Cùng quan điểm này, ông Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH&CN Hòa Bình cũng cho rằng, để phát triển sản xuất nông nghiệp thì không còn cách nào khác là ứng dụng KH&CN vào sản xuất và quan tâm đến việc bảo hộ thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. 

Tại hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Hồng vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định, muốn phát triển nông nghiệp bền vững không còn cách nào khác là phải áp dụng KH&CN vào mọi khâu sản xuất, từ canh tác, thu hoạch, chế biến đến quản lý. Thực tế hiện nay chỉ 1% tổng số doanh nghiệp cả nước đầu tư vào nông nghiệp, trong đó 60% là doanh nghiệp nhỏ, con số này là quá nhỏ bé và sản xuất nông nghiệp cần nhiều hơn sự hỗ trợ, đầu tư của doanh nghiệp. Chúng ta không chỉ thực hiện liên kết bốn nhà mà phải đẩy mạnh liên kết năm nhà. Các nhà quản lý, nhà đầu tư (doanh nghiệp), nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng phải kết nối chặt chẽ với nhau.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH&CN Hòa Bình chia sẻ, trong thời gian qua một số đề tài đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, như việc xây dựng và công bố Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong đã tăng giá trị quả cam lên 30 - 40%, giá trị gia tăng lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhiều hộ nông dân đã trở thành tỉ phú, cam Cao Phong đã nổi tiếng khắp cả nước, nâng diện tích trồng cam từ 1.200 ha (năm 2014) lên gần 3.000 ha (năm 2016), dự kiến hơn 5.000 ha vào năm 2020.

Sau khi đón nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, giá trị sản phẩm Cam Cao Phong được tăng lên rõ rệt: từ chỗ năm 2011, mua buôn tại vườn, giá cam Xã Đoài bình quân khoảng 6.000 đ/kg, cam V2 dao động từ 20.000 - 32.000 đ/kg; năm 2014 giá cam Xã Đoài, CS1 từ 20.000 - 25.000 đ/kg, cam V2 từ 60.000 - 80.000 đ/kg, thời điểm cuối vụ cá biệt có hộ bán trên 100.000 đ/kg cam; năm 2016: giá cam Xã Đoài, CS1 từ 30.000 - 35.000 đ/kg bình quân mỗi ha cam cho thu nhập trên 600 triệu đồng/vụ, trừ chi phí người nông dân còn lãi bình quân 400 triệu đồng/vụ.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng chia sẻ, thời gian qua Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt 18 dự án KH&CN cấp Nhà nước triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đây là sự quan tâm rất lớn của Bộ KH&CN đối với Bắc Giang. Các dự án đã tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa và hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp của tỉnh. Quy mô của dự án được tăng lên, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Trong đó có thể kể đến kết quả nổi bật nhất của KH&CN trong sản xuất nông nghiệp trong nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế của quả vải tại Bắc Giang. Theo đó, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang triển khai đề tài “Nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang”. Thời gian thực hiện từ từ (6/2016 - 6/2018).

Ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, năm 2016, thu từ vải thiều và các dịch vụ liên quan của Bắc Giang đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là nguồn thu tương đối lớn của tỉnh Bắc Giang. Với trách nhiệm của Sở KH&CN, chúng tôi không dừng ở chất lượng, mẫu mã như hiện tại mà không ngừng nghiên cứu, áp dụng KH-CN để nâng cao giá trị của sản phẩm vải thiều. Chính vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu độ phì, cũng như cách chăm sóc, nâng cao chất lượng vải thiều đối với huyện Tân Yên và huyện Lục Ngạn. 

Quá trình thực hiện, các nhà khoa học đã tích cực đồng hành với người nông dân. Sau thời gian triển khai, căn cứ vào diện tích vải sớm Phúc Hòa đang được thu hoạch cho thấy, quả vải thiều to hơn, đồng đều hơn so với diện tích vải thiều không áp dụng đề tài. Sản lượng tăng lên, theo báo cáo của người dân, sản lượng trung bình tăng lên 20%, thậm chí có vườn tăng 30%.  Như vậy, việc ứng dụng một đề tài khoa học mà làm tăng sản lượng, chất lượng vải thiều như vậy, chúng tôi đánh giá rất cao. Cùng với đó, mẫu mã quả vải thiều rất đẹp, vải không bị sâu cuống. Những kết quả này phục vụ tốt cho việc tiêu thụ của người dân. 

Anh Ngô Văn Cường -  hộ nông dân tham gia đề tài tại xã Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang hồ hởi chia sẻ, tôi có 7.000 m2, 350 gốc vải sớm. Cây vải đã được 10 năm tuổi. Sản lượng năm nay ước tính khoảng 10 tấn, thu về được 300 triệu. Tại thời điểm này, giá bán tại vườn của những hộ tham gia đề tài là từ 30.000 - 32000 đồng/kg. Từ ngày được cấp nhãn hiệu tập thể vải sớm Phúc Hòa, chất lượng vải được tin tưởng và tốt hơn. Tôi mong các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ triển khai đề án để bà con có nhiều hàng chất lượng hơn.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, hộ nông dân tham gia đề tài tại xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang cũng tâm sự, gia đình tôi có 2,5 ha vải. Chi phí thực hiện dự án không tốn kém hơn bao nhiêu nhưng đòi hỏi phải đúng thời điểm bón phân, phun hoa. Khi triển khai đề tài, cán bộ  đề tài thường xuyên lên kiểm tra và điện hỏi thăm và hướng dẫn chúng tôi làm theo. Kết quả thu được quá thành công, tỷ lệ đậu hoa nhiều hơn rất nhiều so với mọi năm. Thời gian thụ phấn kéo dài hơn, bình thường 1 ngày chỉ 1 đến 2 tiếng thì bây giờ là 3 đến 4 tiếng nên không bị ảnh hưởng trời mưa. Tỷ lệ đậu quả rất nhiều và sai. Sản lượng vải rơi vào tầm 10 tấn/ha, tăng gấp rưỡi so với trung bình hàng năm. So với năm ngoái là gấp 3 lần. Xung quanh các nhà không ra hoa, thậm chí mất trắng. Một cân vải bán tại gốc đầu mùa là từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Bây giờ là từ 15.000 – 18.000 đồng/kg, kết quả này đã giúp gia đình tôi ổn định kinh tế, yên tâm đầu tư vào cây vải.

Anh Ngô Văn Cường - nông dân tham gia đề tài thu hoạch diện tích vải chín sớm của gia đình (Ảnh: PH)

Kết quả trên đã khẳng định vai trò của KH&CN trong phát triển nông nghiệp tại các địa phương trong cả nước. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thêm sản phẩm sâm Việt Nam là sản phẩm chủ lực quốc gia. Hiện nay Bắc Giang có sản phẩm Sâm Nam Núi Giành, hiện Sở KKH&CN đã nhân giống thành công và đang mở rộng. Tiếp đó là gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn  chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển các sản phẩm chủ lực của Bắc Giang thành các sản phẩm đủ tiêu chuẩn thành sản phẩm chủ lực quốc gia. Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng nông nghiệp vốn có tại địa phương, ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.

“Nâng cao năng lực đánh giá, định giá tài sản trí tuệ và góp vốn doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ; Tăng cường quản lý nhà nước, tập trung xây dựng và tổ chức triển khai chương trình, đề án trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; Tăng cường công tác xã hội hóa cho hoạt động nghiên cứu. Chú trọng đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm dịch vụ hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Bộ KH&CN sẽ luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương để  tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời khai thác thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động KH&CN nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, cũng là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN được tổ chức tại Hà Nội tháng 05/2017 vừa qua.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner