Nhằm biểu dương và tôn vinh những nhà khoa học, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ (KH&CN); tuyên truyền, phổ biến các thành tựu KH&CN, kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao vai trò, vị thế của KH&CN… Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 quy định Ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngày Khoa học và Công nghệ năm 2021 có chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai”, nhân dịp này chúng tôi đã ghi lại một số cảm nhận của các nhà khoa học về Ngày ý nghĩa này.
TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu, Đại học Tôn Đức Thắng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 dành cho nhà khoa học trẻ
Truyền thông KH&CN nên thường xuyên liên tục góp phần lan tỏa tinh thần khoa học trong cộng đồng
Những năm gần đây, qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết đến Ngày KH&CN Việt Nam. Ngày 18/5 gợi tôi nhớ đến 19/5, sinh nhật Bác! Người từng nói: “phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ…” – trích phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 18/5/1963 tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất. Rõ ràng, chúng ta đã, đang, và sẽ tiếp tục làm theo lời Bác.
Thực tiễn cuộc sống phát triển không ngừng, các cơ chế chính sách vì vậy cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, cần đảm bảo tính minh bạch, khách quan và khoa học trong việc đầu tư và đánh giá hoạt động KH&CN, chú trọng vào kết quả thực chất.
Theo tôi, để có được một nền KH&CN phát triển, Việt Nam cần xây dựng lực lượng KH&CN vững mạnh. Để có được lực lượng đó, đất nước cần những bạn trẻ sẵn sàng chọn khoa học làm con đường lập nghiệp. Để khơi gợi đam mê khoa học nơi các bạn trẻ, truyền thông KH&CN đóng vai trò quan trọng. Cần tăng cường phổ biến kiến thức khoa học đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các bạn học sinh sinh viên. Truyền thông KH&CN nên được tiến hành thường xuyên liên tục, với sự chung tay góp sức của nhà báo và nhà khoa học, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tôi hi vọng những thành tựu KH&CN không những chỉ giúp giải quyết các vấn đề dân sinh, phát triển kinh tế xã hội, mà còn giúp tăng cường tiềm lực quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc gia. Sự phát triển KH&CN mở ra những cơ hội mới, cùng với những thách thức mới. Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức là điều tôi kỳ vọng.
Chúc mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam!
PGS.TS Phạm Tiến Sơn, Trường Đại học Đà Lạt, Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020
Vẫn cần có các chính sách cụ thể tiếp tục hỗ trợ mạnh hơn cho các nhà khoa học trẻ
Mong muốn .của đa số các nhà khoa học là có được thu nhập vừa đủ, xứng đáng với công sức lao động của mình và xây dựng gia đình mà không phải mất quá nhiều thời gian cho các công việc khác như dạy thêm. Họ cũng mong muốn có một môi trường làm việc thật sự vì khoa học, giảm bớt được càng nhiều càng tốt các thủ tục hành chính.
Sự ra đời của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã đem đến một luồng không khí mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản, và đối với ngành Toán thì Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), với mô hình hoạt động chuẩn mực quốc tế đã hỗ trợ được rất lớn cho các nhà khoa học – giảng viên tại các trường đại học. Trong khi kinh phí dành cho hoạt động khoa học ở các trường đại học nói chung còn khiêm tốn thì đây là một hình thức hỗ trợ hiệu quả. Mặt khác, cần phải thừa nhận rằng do kinh phí hoạt động khá hạn chế, cả Quỹ NAFOSTED và cả Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đều chỉ có thể có mức tài trợ cho các nhóm nghiên cứu vừa phải, số lượng được xét duyệt không cao. Vì thế, cơ hội dành cho các nhà khoa học đã thành danh sẽ nhiều hơn, và các nhóm nghiên cứu trẻ, dù có nhiều tiềm năng, sẽ ít được chú ý hơn.
PGS.TS. Phạm Tiến Sơn
Đối với các nhà khoa học trẻ, tôi nghĩ rằng chúng ta cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa. Thông thường thì khi nhận bằng tiến sĩ cũng là khoảng thời gian mà phần đông các nhà khoa học trẻ lập gia đình. Họ gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như trong khoa học, khi phải bắt đầu tự mình tạo lập một hướng đi riêng. Tôi rất vui mừng khi thấy gần đây, đã có nhiều trường, viện, các quỹ đổi mới sáng tạo đã bắt đầu có các chương trình tài trợ dành riêng cho các nhà khoa học trẻ. Mặc dù vậy, vẫn cần có các chính sách cụ thể tiếp tục hỗ trợ mạnh hơn cho các nhà khoa học trẻ, thông qua các hình thức khác nhau như học bổng sau tiến sĩ, đề tài nghiên cứu dành riêng cho các tiến sĩ trẻ, đi trao đổi khoa học ở nước ngoài… Tôi rất mong và thực sự hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn trong một tương lai gần!
GS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 dành cho nhà khoa học trẻ
Tự hào về Ngày KH&CN Việt Nam
Bản thân là một nhà nghiên cứu khoa học, tôi cảm thấy rất vui và tự hào về Ngày KH&CN Việt Nam. Đây là một dịp hàng năm để các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam được nhà nước, xã hội quan tâm và vinh danh. Đồng thời cũng là ngày những người hoạt động trong lĩnh vực KH&CN được giao lưu chia sẻ thông tin về những thành tựu trong nghiên cứu phát triển KH&CN cũng như đổi mới sáng tạo. Đối với cá nhân tôi những ngày này hàng năm làm tôi nhớ đến kỷ niệm đẹp đó là tháng 5/2015 tôi đã được Bộ KH&CN trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho các nhà khoa học trẻ.
Năm nay là năm thứ 8 ghi nhận ngày KH&CN Việt Nam, tôi cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ KH&CN và xã hội đối với hoạt động KH,CN và ĐMST ngày càng nhiều hơn cũng như sát thực hơn trong thực tiễn hoạt động của KH,CN và ĐMST. Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà nghiên cứu khoa học. Kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học thông qua các quỹ đầu tư phát triển khoa học cũng đã được quan tâm và tăng lên theo thời gian. Đối với Trung tâm nghiên cứu và đào tạo toán học dưới sự bảo trợ của UNESCO nơi tôi công tác hàng năm đều được sự quan tâm của Nhà nước về kinh phí và cơ chế tổ chức. Ngày 12/5/2021, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện giữa Việt Nam và Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc về thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Toán học quốc tế dưới sự bảo trợ của UNESCO tại Hà Nội, Việt Nam. Với sự quan tâm và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ KH&CN, tôi tin rằng nền KH&CN của Việt Nam ngày càng phát triển.
Tôi hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu Toán học. Trong quá trình công tác, tôi có một số đóng góp nhất định trong nghiên cứu và đào tạo ở lĩnh vực Toán học. Tôi có một số kiến nghị cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành KH&CN Việt Nam.
GS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp
Thứ nhất, cần xây dựng, hoàn thiện các chính sách trọng dụng các nhà khoa học nhằm thu hút người giỏi trong và ngoài nước làm việc đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, cần chú trọng phát hiện sớm và bồi dưỡng các nhà khoa học tài năng, nếu cần có thể thành lập một đơn vị với chức năng tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài khoa học ngay khi còn trẻ về các ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, công nghệ để cử đi học tập nghiên cứu ở các trường đại học tiên tiến trên thế giới.
Thứ ba, cần xây dựng chính sách kết nối các ngành Khoa học Tự nhiên, Xã hội và Công nghệ thành một thể thống nhất nhằm đào tạo các thế hệ các nhà khoa học có trình độ cao ở đa lĩnh vực như Triết học, Toán học, Công nghệ thông tin, Vật lý, …
Thứ tư, cần đặc biệt chú trọng xây dựng chính sách phát triển khoa học đạt trình độ cao tại các Trường đại học, Học Viện và Viện nghiên cứu.
Tôi kỳ vọng rằng, những nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng bám sát vào thực tiễn cuộc sống và phát triển sản xuất để giải quyết được ngày càng nhiều nhu cầu phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực phát triển sản xuất, văn hoá, giáo dục và tiến bộ xã hội của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang có bước phát triển nhanh trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa xã hội. Tôi tin rằng KH,CN và ĐMST sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam.
Minh Châu (lược ghi)