Chính sách KH&CN Thứ hai, 29/04/2024 , 04:23 am
Cập nhật : 23/12/2022 , 10:12(GMT +7)
Tạo đột phá để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế
Doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thu hút, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh; thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp; tăng cường hoạt động tôn vinh, truyền thông nâng cao nhận thức về KH,CN&ĐMST… Đó là một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KH,CN&ĐMST được đưa ra trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Đầu tư cho KH&CN đạt 1,5-2% GDP vào năm 2030

Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hoá các nội dung về KHCN&ĐMST được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Theo Chiến lược, mục tiêu cụ thể là nâng cao đóng góp của KH,CN&ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%.
 
KH,CN&ĐMST đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%;…
 
KH,CN&ĐMST góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước; đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì hơn 0,7.
 
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới; đến năm 2025, đầu tư cho KH&CN đạt 1,2-1,5% GDP, trong đó, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8-1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60-65%. Đến năm 2030, đầu tư cho KH&CN đạt 1,5-2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1-1,2% và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65-70%.

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia
 
Chiến lược đã đặt ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KH,CN&ĐMST. Thứ nhất, đổi mới cơ chế hoạt động KH,CN&ĐMST, nâng cao năng lực quản lý của nhà nước về KH,CN&ĐMST. Cụ thể, sửa đỏi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN, các luật liên quan để phù hợp yêu cầu mới; đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp; tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng;… 
 
Thứ hai, xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia. Theo đó, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành; trong đó các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động ĐMST, các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và ĐMST; phát triển hệ thống các trung tâm ĐMST quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng,…
KH,CN&ĐMST đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế.
 
Thứ ba, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST. Trong đó, bảo đảm chi cho KH,CN&ĐMST từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển; rà soát, tháo gỡ các rào cản, hạn chế, nhằm tăng số lượng và quy mô của quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; tạo thuận lợi tối đa để khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ…

Thứ tư, phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh. Cụ thể, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập; sắp xếp thu gọn đầu mối hệ thống tổ chức viện nghiên cứu công lập; triển khai chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, là nguồn cung tri thức cho các hoạt động ĐMST; tập trung phát triển một số tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và thế giới… 
 
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao. Cụ thể, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST trong tương lai. Tăng cường đào tạo kiến thức về khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực tin học, ngoại ngữ, rèn luyện năng lực thiết kế sáng tạo gắn với các dự án thực tế trong trường phổ thông, đặc biệt thông qua hình thức đào tạo STEM; đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao. Nhanh chóng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, từng bước nâng cao tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành tiệm cận với tiêu chuẩn ở các nước phát triển;…
 
Thứ sáu, phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng KH,CN&ĐMST. Chiến lược chỉ rõ, tiếp tục phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển hệ thống phòng thí nghiệm mạnh; ban hành các cơ chế, chính sách cho phép các phòng thí nghiệm do Nhà nước đầu tư được triển khai các dịch vụ để bù đắp chi phí và tái đầu tư nâng cấp thường xuyên;…
 
Thứ bảy, thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp. Theo đó, nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế. Xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ phân tích thông tin sáng chế và dự báo xu hướng phát triển công nghệ; rà soát, sửa đổi đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về thuế, tài chính, tín dụng và quy định pháp luật về KH&CN; đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực KH,CN&ĐMST thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;…

Thứ tám, chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm KH&CN, triển khai mô hình, giải pháp KH&CN;…
 
Cuối cùng, tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về KH,CN&ĐMST. Tiếp tục duy trì và phát triển các giải thưởng nghiên cứu quốc gia cho các nhà nghiên cứu có thành tích xuất sắc; khuyến khích, hỗ trợ thanh, thiếu niên nâng cao hiểu biết về KH,CN&ĐMST và định hướng nghề nghiệp vào lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Đầu tư một số kênh truyền hình, ấn phẩm, kênh truyền thông xã hội chuyên đề về KH,CN&ĐMST, đặc biệt cho trẻ em, thanh thiếu niên; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về KH,CN&ĐMST. Đa dạng hóa các loại hình truyền thông trên nền tảng số và mạng xã hội;… Đẩy mạnh truyền thông và hỗ trợ của nhà nước đối với các hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người dân… 
 
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó các nội dung về KH,CN&ĐMST được đề cập một cách hệ thống, đồng bộ, xuyên suốt. KH,CN&ĐMST được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số đã trở thành một trong những xu hướng phát triển chủ yếu của thời đại. Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hoá các nội dung về KH,CN&ĐMST được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
 
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, KHCN&ĐMST luôn được coi là cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự phát triển nhanh và bền vững. Hiện nay, trước những thách thức đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt chú trọng vai trò của KHCN&ĐMST, coi đó là một trong những đột phá chiến lược phát triển đất nước giai đoạn tới. Ngành KH&CN đang tập trung đẩy mạnh triển khai, đưa nội dung Chiến lược vào cuộc sống, cụ thể hoá các quan điểm của Đảng bằng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. 
Bài, ảnh: Hoàng Quỳnh 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner