Sở hữu trí tuệ Thứ bảy, 20/04/2024 , 06:50 am
Cập nhật : 17/02/2018 , 20:02(GMT +7)
Sở hữu trí tuệ: Tài sản quan trọng của người khởi nghiệp sáng tạo
Theo các chuyên gia, tài sản trí tuệ sẽ ngày càng quan trọng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) trong bối cảnh kinh tế hội nhập. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo là hết sức quan trọng.

Truyền thông từ ghế nhà trường

Tại Hội thảo Đào tạo và Truyền thông về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ tại các trường đại học được tổ chức ngày 6/2, tiến sỹ Trần Lê Hồng, Chánh văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, quyền sở hữu trí tuệ là nền tảng pháp lý cho tài sản trí tuệ của start-up.

Thực tế cũng cho thấy, đã là đổi mới sáng tạo thì không thể tách rời với sở hữu trí tuệ. Theo ông Trần Lê Hồng, tài sản trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng với start-up. Thế nhưng, có một thực tế là việc xác định quyền sở hữu và tranh chấp liên quan tới tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp, các start-up rất dễ bị tổn thương khi sớm phải đương đầu với các vấn đề vi phạm pháp luật, tranh chấp, kiện tụng.

Bên cạnh đó, sự độc quyền dựa trên quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm tăng tính cạnh tranh của start-up khi ngoài giá trị lớn, tài sản trí tuệ có thể là đối tượng độc đáo giúp sản phẩm, dịch vụ thu hút khách hàng…

Tuy nhiên, theo ông Trần Lê Hồng thì hiện có một số nhận thức không phù hợp về quyền sở hữu trí tuệ. Có tình trạng start-up không đầu tư thời gian, tiền và tư duy cho tài sản trí tuệ của mình khi chậm trễ xác lập quyền; không tra cứu đầy đủ để đảm bảo quyền của mình và không xâm phạm quyền đối với tài sản trí tuệ của người khác; không có đánh giá mang tính chuyên nghiệp về tài sản sở trí tuệ của mình.

Ngoài ra, lại có một số start-up xác định không đúng thời điểm để xác lập quyền sở hữu trí tuệ; không làm rõ về sản phẩm, dịch vụ của mình trong chuỗi giá trị liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ; không chú trọng tới việc đăng ký nhãn hiệu ngay từ đầu để phát triển thương hiệu…

Thực tế cũng cho thấy, ngoài trường học, vấn đề tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo là vô cùng quan trọng. 

Đại diện của Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho hay, khoảng 10 năm trước, báo chí ở Việt Nam chưa chú trọng đến chủ đề này và thường vắng bóng các bài phân tích chuyên sâu có giá trị thông tin, phổ biến kiến thức. 

Điều này xuất phát từ thực tế chủ đề sở hữu trí tuệ chưa được xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, đây là một vấn đề khó viết trong khi không phải báo nào cũng có phóng viên chuyên trách nên nếu có quan tâm cũng khó đầu tư nhân lực để phát triển chủ đề. 

Thế nhưng, trong những năm gần đây, với sự quan tâm truyền thông của báo giới, sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo đã dần định hình trong nhiều doanh nghiệp, start-up.

Liên kết để nâng cao nhận thức

Tiến sỹ Trần Lê Hồng cho rằng, để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo định hình và giải quyết các vấn đề về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ nên được bắt đầu từ các trường đại học. Hiện việc giảng dạy lĩnh vực này đã được quan tâm, bắt đầu hình thành môn học đổi mới sáng tạo hoặc sở hữu trí tuệ…

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương thì nói ngôi trường này đặc biệt quan tâm tới sở hữu trí tuệ, đưa vấn đề này trở thành môn độc lập giảng dạy chính thức. Nhà trường cũng có nhiều câu lạc bộ sinh viên hoạt động tích cực, trong đó có những câu lạc bộ về sở hữu trí tuệ.

Đại học Ngoại thương cũng đã thành lập không gian khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển các hoạt động sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp tại trường đại học, góp phần xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo tại trường đại học và hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Trong khi đó, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Hải (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, từ năm 2003, môn sở hữu trí tuệ được thành lập tại Khoa khoa học quản lý của trường. Mỗi năm, nhà trường đào tạo 15-20 sinh viên về chuyên ngành này.

Đại diện Báo điện tử VietnamPlus khẳng định kể từ khi thành lập, tờ báo luôn tôn trọng vấn đề sở hữu trí tuệ, 100% sản phẩm thông tin đăng tải là sản phẩm gốc, có bản quyền, coi sở hữu trí tuệ là chìa khóa để phát triển bền vững, bắt kịp xu thế truyền thông và tạo sự khác biệt, hấp dẫn cho một tờ báo điện tử mang tính chính luận cao.

Bên cạnh đó, hàng loạt sản phẩm sáng tạo của Báo điện tử VietnamPlus được đông đảo giới chuyên môn, đồng nghiệp và độc giả đón nhận như các bản tin Rap News, mục tin địa phương được tổ chức nhập dữ liệu để tạo ra 63 mini-website cho mỗi tỉnh thành trong cả nước và gần 200 trang quốc gia… để độc giả dễ dàng theo dõi…

Báo điện tử VietnamPlus cũng là đơn vị luôn chú trọng tới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo. Năm 2016, nhân sự kiện IPDay được tổ chức, Báo điện tử VietnamPlus đã sáng tạo một bản Rap News chuyên đề về chủ đề này và được những người tham dự sự kiện đánh giá cao, hưởng ứng mạnh mẽ ngay tại sự kiện và cả sau khi sự kiện kết thúc. 

Tới năm 2017, VietnamPlus tiếp tục sản xuất bản một bản Rap news thứ hai: “Rap News IPMan: Tôn vinh 'Đổi mới sáng tạo - cải thiện cuộc sống' - truyền tải thông điệp đổi mới sáng tạo được thể hiện dưới vô số hình thức khác nhau, từ những thứ rất thông thường đến những thứ dường như rất phi thường - đổi mới sáng tạo làm cho cuộc sống của chúng ta lành mạnh, an toàn và tiện lợi hơn…

Luật sư Trần Tám, CEO Công ty IPCom cho hay, các bài viết về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo không ít. Tuy nhiên, nội dung bài viết được xuất bản thường là bài nghiên cứu chuyên môn sâu, đối tượng tiếp cận hẹp. Cùng lúc, khi tư vấn cho doanh nghiệp, IPCom nhận thấy nhiều nhu cầu về những kiến thức cơ bản nhất về đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ… để doanh nghiệp nhận thức được đang sở hữu tài sản gì, cơ chế xác lập, bảo vệ ra sao, thương mại hóa thế nào…

Do đó, các chuyên gia dự hội thảo đều cho rằng, rất cần một sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các trường đại học, cơ quan truyền thông và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo. Đây cũng là lý do mà IPCOM, Báo điện tử VietnamPlus và Trường Đại học Ngoại thương đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và start-up.

Luật sư Trần Tám cho hay, bên cạnh việc tuyên truyền, tạo diễn đàn kết nối các chuyên gia và sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm chia sẻ kiến thức, dự án sẽ xây dựng hệ thống và sử dụng công cụ truyền thông xã hội để cung cấp thông tin cho người tham gia. Qua đó, dự án sẽ nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển kinh tế bền vững.
 
TTXVN

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner