Sở hữu trí tuệ Thứ năm, 28/03/2024 , 11:24 pm
Cập nhật : 06/11/2020 , 16:11(GMT +7)
Phối hợp hành động phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Quang cảnh tọa đàm
Công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam không ngừng phát triển, góp phần bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng liên quan, thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã và đang ngày càng quy mô hơn, gây lo ngại, bức xúc cho xã hội. Để giải quyết tốt vấn đề này đòi hỏi cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía.

Mới đây, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam và Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm và bài học thực tiễn về phối hợp thực thi quyền hữu trí tuệ tại các quốc gia”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế ASEAN do Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh tài trợ (gọi tắt là Dự án FSIP) nhằm hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện Chương trình phối hợp hành động phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Chương trình 168).

Phối hợp toàn diện, nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT

Tại tọa đàm, các đại  biểu cho rằng, thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện nay chủ yếu được thực hiện qua con đường xử lý vi phạm hành chính với nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau và hệ thống pháp luật phức tạp, dẫn đến hiện tượng chồng chéo về thẩm quyền mà chưa có cơ chế phối hợp thực thi hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy hầu hết các vụ xâm phạm quyền SHTT đều được xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng hóa giả mạo và nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Bên cạnh đó, hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh hoặc tiêu hủy hàng hóa, phương tiện kinh doanh vi phạm… 

Năng lực chuyên môn của cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHTT đã từng bước được cải thiện. Cơ quan thực thi quyền SHTT ở nhiều địa phương đã có sự chủ động hơn trước trong việc đánh giá, xem xét và xử lý các hành vi xâm phạm quyền. Đây cũng là kết quả của những nỗ lực từ phía các bộ  ngành, địa phương và các cơ quan, lực lượng chức năng trong việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHTT.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, làm nản lòng các nhà đầu tư, gây tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội. Có thể khẳng định rằng một trong những điểm yếu và thách thức lớn nhất của nước ta hiện nay chính là hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT bằng biện pháp tư pháp.

Để giải quyết các vướng mắc trên, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai Chương trình hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT  (Chương trình 168), với các nội dung chính như hợp tác trong xây dựng và thực thi pháp luật; phối hợp nâng cao hiệu quả việc áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự trong phòng, chống xâm phạm quyền SHTT.

Chương trình 168 đã được triển khai qua hai giai đoạn 2006 – 2010 (giai đoạn I) và 2012 – 2015 (giai đoạn II) và hiện đang bước vào giai đoạn III (2019 – 2023). Mục tiêu chung của giai đoạn III Chương trình 168 là phối hợp một cách toàn diện, thường xuyên và kịp thời nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Ban Thường trực Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ giai đoạn III.

 

Tăng cường trao đổi kinh nghiệm

Tại toạ đàm, các chuyên gia đến từ Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO) và Công ty luật Rouse Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Vương quốc Anh và một số nước trong khu vực ASEAN.

Ông Huw Watkins, Trưởng Bộ phận chính sách châu Á - cơ quan SHTT Vương quốc Anh chia sẻ: Tại Anh, chúng tôi có cơ quan SHTT là đơn vị điều phối ở tầm quốc gia về tội phạm sở hữu trí tuệ (hàng giả và vi phạm bản quyền), có chức năng điều phối và trao đổi thông tin về hình sự giữa các cơ quan thực thi SHTT khu vực tư nhân ở Vương quốc Anh và ở nước ngoài. Công việc của nhóm thực thi bao gồm xây dựng chính sách, làm việc với các cơ quan chính phủ khác để bảo đảm rằng luật pháp phù hợp với mục đích thực thi pháp luật SHTT. Ngoài ra, cơ quan SHTT Vương quốc Anh (IPO) tổ chức một diễn đàn hợp tác thường xuyên của các tổ chức tham gia vào việc xử lý tội phạm xâm phạm quyền SHTT. Diễn đàn của các tổ chức thực thi này được chủ trì bởi một sĩ quan cảnh sát cao cấp và sẽ soạn thảo một báo cáo hằng năm về tình trạng tội phạm về SHTT, những thành công và xu hướng về tội phạm SHTT ở Vương quốc Anh. Bản sao của các báo cáo này được công bố trên trang web của IPO.

Đại diện cơ quan SHTT Vương quốc Anh nhấn mạnh, sự tham gia của những cơ quan bộ ngành phối hợp khác nhau với cùng một mục đích chung phải dựa trên mức độ tin cậy lẫn nhau giữa các tổ chức/cá nhân. Khi nguyên tắc này được áp dụng vào hệ thống thực thi quyền SHTT, điều này sẽ góp phần tạo nên một hệ thống thực thi hiệu quả và có sức răn đe đối với các tội phạm xâm phạm quyền SHTT.

Ông Huw Watkins cam kết, sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn cho các chương trình hợp tác trong xây dựng và thực thi pháp luật, phối hợp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp hành chính, dân sự và hình sự trong phòng, chống xâm phạm quyền SHTT cho các cơ quan chức năng ở Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm về phối hợp trong thực thi quyền SHTT tại Philipines, bà Vũ Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho biết, trước khi có mô hình phối hợp thực thi quyền SHTT, Philippines cũng gặp phải nhiều thách thức như thẩm quyền thực thi SHTT nằm rải rác và chồng chéo ở các cơ quan khác nhau, với các yêu cầu khác nhau. Ví dụ, quy trình khám xét xâm phạm tốn nhiều thời gian, chi phí và khó thực hiện, do chủ thể quyền phải liên lạc với nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm cơ quan xử lý hành chính (Cảnh sát quốc gia hoặc Cục Điều tra quốc gia), yêu cầu tòa án ban hành lệnh khám xét, thực hiện lệnh khám xét,...

Trước thực trạng đó, nhóm chuyên trách SHTT đa cơ quan - Ủy ban quốc gia về SHTT của Philippines đã được ra đời vào năm 2008,  với những chức năng gồm: Tăng cường thực thi; Tăng cường thông tin và giáo dục cộng đồng; Duy trì sự phối hợp với Cơ quan Tư pháp; Duy trì cơ sở  dữ liệu và hệ thống giám sát thực thi; Đề xuất chính sách và luật về SHTT. 

Theo bà bà Vũ Hồng Yến, với mô hình đó, hoạt động thực thi quyền SHTT của Philippines đã đạt được nhiều kết quả rất đáng mừng: Philippines đã được loại khỏi danh sách các quốc gia ưu tiên theo dõi về buôn bán hàng giả trong Báo cáo về việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT tại các quốc gia thứ 3 năm 2019 của Ủy ban châu Âu. Đến năm 2017, Ủy ban quốc gia về SHTT của Philippines được công nhận là tổ chức hợp tác thực tiễn tốt nhất về quyền SHTT trong khu vực đồng thời cơ quan này cũng làm đầu mối nhiêu vụ xử lý vi phạm đối với quyền tác giả và nhãn hiệu và các đối tượng SHTT khác để thực thi quyền SHTT...

Bài, ảnh: Diệu Huyền


 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner