Tiềm lực KH&CN Thứ tư, 24/04/2024 , 09:33 am
Cập nhật : 24/09/2021 , 07:09(GMT +7)
Nhóm sinh viên đạt giải thưởng quốc tế nhờ công nghệ hỗ trợ nông dân nuôi tôm
Nhóm sinh viên thực hiện đề tài cùng làm việc trực tuyến
Một nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM tạo ra một hệ thống ứng dụng công nghệ giúp nông dân nuôi tôm nâng cao năng suất. Ứng dụng này cũng đoạt giải thưởng trong một cuộc thi quốc tế.

Nhóm 3 sinh viên Thái Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thanh Sang Nguyễn Xuân Tuyên của Khoa Điện - điện tử Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đã nghiên cứu và phát triển một hệ thống tự động thu thập, phân tích hình ảnh giúp nông dân dễ dàng theo dõi quá trình phát triển của đàn tôm.

Ứng dụng công nghệ trong việc nuôi tôm

Ý tưởng nghiên cứu xuất phát từ thực tế người nông dân không thể quan sát toàn diện quá trình sinh trưởng của tôm trực tiếp dưới mặt nước, dẫn đến việc gặp khó khăn trong nuôi thủy sản. 

Do đó, Thái Nguyễn Trung Thành cùng nhóm bạn của mình là Nguyễn Thanh Sang Nguyễn Xuân Tuyên, đều sinh viên năm 3 chuyên ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa khoa Điện - điện tử (Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM), đã bắt tay vào làm đề tài mang tên “Smart Inspection for Smart Indoor Shrimp Farming” (Kiểm tra thông minh cho nuôi tôm trong nhà thông minh, gọi tắt SISISF). 

Nhóm sinh viên cho biết mục đích thực hiện đề tài là giúp người dân nuôi tôm có thể tiếp cận ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất. 

Cụ thể, SISISF là một hệ thống giám sát và kiểm tra chất lượng chăn nuôi tôm công nghiệp bao gồm bộ điều khiển gồm PLC (bộ điều khiển logic có thể lập trình được)

và máy tính nhúng, động cơ AC được điều khiển qua biến tần, hệ thống thị giác máy tính (DMV)…

Hệ thống thu thập hình ảnh chăn nuôi tôm bên dưới mặt nước qua máy ảnh hồng ngoại được di chuyển đến toàn bộ các bồn nuôi tôm để định vị tôm nhằm đếm số lượng, ước lượng kích thước và khối lượng tôm để kiểm tra năng suất chăn nuôi. Dữ liệu sẽ được tự động truyền về phần mềm và người dùng có thể theo dõi quá trình tôm phát triển trên máy tính để bàn, laptop và điện thoại di động có kết nối mạng internet. 

Là trưởng nhóm nghiên cứu, Nguyễn Thái Trung Thành bày tỏ: “Tôi rất vui với đề tài này vì nó giúp được nhiều người dân trong việc chăn nuôi tôm và làm tăng năng suất”.

Mô hình hệ thống

Trong lúc thực hiện dự án, nhóm sinh viên gặp không ít những khó khăn như vấn đề về chi phí, chẳng hạn bộ phận đắt tiền nhất là cơ hệ thị giác máy tính có giá lên tới 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu nghiên cứu còn khá hạn chế, và nhóm phải tự tìm tòi trong thời gian dài cũng là một trong những khó khăn mà nhóm gặp phải.

“Dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm việc trực tuyến để hoàn thiện sản phẩm”, Nguyễn Xuân Tuyên, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Đưa đam mê nghiên cứu vào ứng dụng cuộc sống

Vào tháng 5, dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Phạm Việt Cường, Phó trưởng bộ môn Điều khiển tự động - khoa Điện-Điện tử (Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM), nhóm sinh viên mạnh dạn tham gia cuộc thi “The 7th Delta International Smart & Green Manufacturing Contest” (Cuộc thi Sản xuất Xanh & Thông minh quốc tế Delta lần thứ 7). Đây là cuộc thi do Hiệp hội Tự động hóa Trung Quốc và Ban Chỉ đạo Giảng dạy giáo dục nghề nghiệp công nghiệp thông tin và công nghiệp Trung Quốc tổ chức.

Dự án của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM trở thành 1 trong 100 đề tài nghiên cứu lọt vào vòng chung kết và là một trong 12 đề tài giành giải nhất của cuộc thi. 

“Nhóm nghiên cứu luôn cố gắng hoàn thiện sản phẩm tốt nhất có thể để giúp người dân trong việc nuôi thủy sản. Tuy không đạt giải cao nhất nhưng đây là động lực để chúng tôi thực hiện thêm các dự án có thể áp dụng vào cuộc sống”, Nguyễn Thanh Sang, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Nhóm sinh viên đang kiểm tra hệ thống thông minh cho nuôi tôm trong nhà thông minh

Nhận xét về hệ thống SISISF do nhóm sinh viên phát triển, tiến sĩ Phạm Việt Cường gọi đây là một đề tài có thể áp dụng vào thực tiễn.

Tiến sĩ Cường nói: “Ở đề tài này, các hệ thống có thể hỗ trợ chủ trang trại ước lượng mật độ, kích thước của tôm để thấy rõ quá trình phát triển. Đây là một đề tài giúp người nuôi tôm đỡ vất vả và nâng cao năng suất. Dù kết quả này ở cuộc thi không phải là xuất sắc nhất, nhưng qua đó tôi thấy được sự đam mê nghiên cứu khoa học ứng dụng vào cuộc sống của các em sinh viên”.

 

Nguồn tin: Thanh Niên

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner