Hoạt động KH&CN Thứ sáu, 29/03/2024 , 05:07 pm
Cập nhật : 12/04/2021 , 15:04(GMT +7)
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương
Toàn cảnh Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2021
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong đó có hoạt động KH&CN của các tỉnh/thành phố đã góp phần không nhỏ vào những thành tựu rất quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020.

Ngày 9/4, tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2021. Đây là Hội nghị quan trọng góp phần kết nối trực tiếp sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Bộ với các địa phương.

KH&CN ngày càng khẳng định vị thế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhận định, năm 2021 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết đại hội các cấp, là năm đầu triển khai kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025. Trong các nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành, nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) được đề cập đến rất nhiều. Có thể nói Chính phủ đã coi KH,CN&ĐMST là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời ở cả trong 2 Nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số GII năm 2020, Việt Nam xếp ở vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 và đứng thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia/nền kinh tế có cùng mức thu nhập, đứng thứ 3 trong ASEAN. Cụ thể, so với năm 2019, chỉ số GII của Việt Nam có nhiều kết quả tích cực như: Hệ thống ĐMST của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 39 (tăng 30 bậc). Trong đó, tiến bộ đáng chú ý là về liên kết ĐMST, với kết quả tốt hơn ở chỉ số Hợp tác Viện trường - doanh nghiệp, xếp hạng thứ 65 (tăng 10 bậc); Cải thiện về đầu ra ĐMST, nhóm chỉ số Sáng tạo tri thức và lan truyền tri thức có cải thiện tích cực so với 2019, trong đó, nhóm chỉ số lan truyền tri thức xếp hạng 14 được coi là thế mạnh của Việt Nam; Chỉ số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật đã tăng 13 bậc (từ vị trí 74 lên 61),...

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu khai mạc Hội  nghị

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, trong kết quả chung đó có sự đóng góp rất tích cực của ngành KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN địa phương nói riêng. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ KH&CN và các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; các cơ chế, chính sách được triển khai, vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của địa phương; tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… KH&CN ngày càng khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo của Hội nghị cho biết, giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN đã hỗ trợ các địa phương triển khai gần 800 nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình quốc gia: Nông thôn miền núi; Đổi mới công nghệ; Quỹ gene; Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; Sở hữu trí tuệ; và nhiệm vụ cấp thiết phát sinh ở địa phương nhằm đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, giải quyết những vấn đề thực tiễn. Trong đó, điểm nhấn của năm 2020, Bộ KH&CN phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với Sở KH&CN, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ở 63 tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã chú trọng hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện. 

Giai đoạn 2016 - 2020, đã tiếp nhận, thẩm định, trình công bố 3.973 TCVN, khoảng 88% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 60%; tiếp nhận, thẩm tra và thẩm định 411 dự thảo QCVN của các bộ, ngành xây dựng; hướng dẫn, góp ý hơn 86 QCĐP của địa phương.

Đồng thời, thực hiện quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 783 lượt đơn vị; Chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 508 lượt đơn vị; Chứng nhận 739 chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2; Chứng nhận, cấp 6.239 thẻ kiểm định viên đo lường; Phê duyệt 17.747 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước.

Trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (giai đoạn 2016 - 2020), đã có gần 200 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đưa vào sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như Cam sành Hàm Yên - Tuyên Quang, dầu tràm Huế, tôm hùm bông Phú Yên, yến sào Cù Lao Chàm - Hội An, quế Trà Bồng - Quảng Ngãi,... Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì, tem nhãn, thay đổi thói quen của cộng đồng từ việc sản xuất, phát triển sản phẩm tự do thành sản xuất sản phẩm có kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, mới đây lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản – một chứng nhận uy tín tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường khó tính…

Chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

Với mục tiêu chung là triển khai có hiệu quả các hoạt động KH&CN trên phạm vi toàn quốc, làm cho KH&CN đóng góp ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn với phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà, tại Hội nghị, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ, đại diện các Sở KH&CN đã tập trung trao đổi về một số vấn đề đang được quan tâm như: Việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của các Sở KH&CN; Việc huy động, khơi thông các nguồn lực để tập trung cho phát triển KH&CN; Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất; Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo,...  

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại Hội  nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao các kết quả hoạt động KH&CN trong cả nước thời gian qua, có thể nói các kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST đã đóng góp ngày càng nhiều và tích cực hơn cho nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước. Nhiều cơ chế chính sách đã được xây dựng và triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả tốt. 

Để KH,CN&ĐMST đáp ứng được yêu cầu trở thành nền tảng, quốc sách, động lực cho phát triển KT-XH như kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh những nội dung trọng tâm cần triển khai mạnh mẽ quyết liệt để đẩy mạnh hoạt động KH,CN&ĐMST ở các địa phương trong thời gian tới.

Một là, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025. Để hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Bộ trưởng đề nghị mỗi địa phương chủ động, năng động sáng tạo trong tham mưu, xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình, đề án phát triển KH&CN phù hợp với bối cảnh mới, điều kiện của mỗi địa phương, nhưng phải rất trọng tâm, sát, trúng, đúng với tình hình thực tiễn và đề xuất được các giải pháp triển khai khả thi, đủ mạnh, có tính đột phá nhằm phục vụ tốt nhất cho các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Hai là, rà soát, xây dựng cơ chế chính sách, nhất là cơ chế chính sách có tính nổi trội, đột phá, minh bạch, công khai. Bộ trưởng cho biết, hiện nay các đơn vị chức năng của Bộ đang xây dựng cơ chế thí điểm khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu, chấp nhận rủi ro. Đây là vấn đề khó, cần sự quyết tâm, kiên trì của toàn ngành KH&CN cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu,… Nếu không sẽ rất khó đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển và thu nhập cao. Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ba là, sắp xếp tổ chức bộ máy của các sở KH&CN. Để giúp các địa phương có cách tiếp cận thống nhất trong quá trình triển khai; ngày 15/01/2021 Bộ trưởng đã gửi Công thư cho các đồng chí lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện; Ngày 01/3/2021 Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BKHCN hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc cấp tỉnh, cấp huyện làm cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản để triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định. 

Bốn là, về tổ chức sắp xếp các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST ở các địa phương. Hiện nay Bộ đang khẩn trương thực hiện Chương trình tái cơ cấu các nhiệm vụ quốc gia. Đây không chỉ là sắp xếp lại các chương trình quốc gia mà còn đề xuất giải pháp đổi mới cách thức triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, làm thế nào để thuận lợi nhất và đạt hiệu quả cao nhất.

Bộ trưởng cũng mong muốn trong thời gian tới, các Sở KH&CN cần chủ động xây dựng các đề án để đổi mới, sắp xếp lại hệ thống đảm bảo tinh gọn nhưng phải đáp ứng được yêu cầu quản lý, khả năng hoạt động hiệu quả, thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao của ngành KH&CN. Đồng thời tập trung triển khai, khai thác các kết quả nghiên cứu đã có và có khả năng ứng dụng phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế xã hội địa phương thông qua nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm chủ lực địa phương. 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng giao trách nhiệm và yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, theo chức năng nhiệm vụ của mình chủ động nghiên cứu, vận dụng các chính sách hiện hành để trao đổi cùng địa phương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, với phương châm đạt được kết quả cuối cùng.

Bài, ảnh: Nhóm PV


 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner