Chính sách KH&CN Thứ tư, 17/04/2024 , 12:33 am
Cập nhật : 26/01/2020 , 12:01(GMT +7)
KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: Bước chuyển từ chính sách
Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo
Thời gian qua, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với phát triển bền vững là rất rõ nét. Thực tế, giai đoạn 2011 đến nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã thể hiện đóng góp quan trọng cả ba trụ cột cơ bản của phát triển bền vững là phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

 Nhìn ra thế giới

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đổi mới sáng tạo (ĐMST) giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, là yếu tố không thể thiếu góp phần tạo thêm việc làm. Nói rộng hơn, cả lý thuyết và thực tế đã qua đều cho thấy các nước đi theo nhiều quỹ đạo phát triển khác nhau, tùy thuộc khả năng nhận biết và nắm bắt tiến bộ công nghệ của họ. Theo ông Trần Ngọc Ca - Viện Chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ (KH - CN), Học viện khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mỗi quốc gia có những chính sách phát triển ĐMST riêng nhưng đều có đặc điểm chung là bắt đầu từ chính sách KH - CN, sau đó có xu thế dịch chuyển sang chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI). Ví dụ tại Đức, chiến lược phát triển KH - CN gắn liền với chiến lược ĐMST. Mục tiêu đặt ra là đối mặt với các thách thức bằng các giải pháp toàn diện, gồm chiến lược công nghệ cao; sáng kiến nâng cao trình độ nhân lực; sáng kiến về tính xuất sắc; chương trình tài trợ 6 tỷ Euro; Luật cải cách giáo dục đại học tới 2020; sáng kiến “từ nghiên cứu đến ĐMST”; Luật về tự do trong học thuật; phát triển hạ tầng nghiên cứu. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đức nhấn mạnh hơn vào tính ứng dụng và kết nối, tham gia sâu hơn vào kinh tế - xã hội.
 
Còn tại Phần Lan, STI được định hướng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế tri thức 2.0 (năm 2014). Hội đồng chính sách KH - CN được thành lập hỗ trợ cho việc phát triển nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông và xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia (từ thập kỷ 1990). Nhằm phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của chính sách ĐMST trong phát triển kinh tế xã hội dựa vào tri thức và công nghệ, Hội đồng chính sách KH - CN được đổi thành Hội đồng nghiên cứu và ĐMST (RIC) năm 2009 với chức năng tích hợp các yếu tố STI vào như phần cốt lõi của chiến lược phát triển Phần Lan, đặc biệt giúp vượt qua các giai đoạn khủng hoảng và khó khăn; thúc đẩy đánh giá và học hỏi chính sách qua từng giai đoạn, rút ra bài học cho giai đoạn kế tiếp.

Với tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hàng năm có các phân tích của các nước thành viên về chính sách KH - CN và công nghiệp. Đồng thời, có các nghiên cứu tổng quan về chính sách STI của các nước không thành viên như Chile (2007), Nam Phi (2007), Trung Quốc (2008), Peru (2011), Colombia (2014), Malaysia (2016), Costa Rica (2017)… OECD đã phối hợp với Ngân hàng thế giới thực hiện nghiên cứu tổng quan về chính sách STI cho Việt Nam (OECD-WB, 2014).
 
Hay tại Mỹ, chính sách STI tập trung vào làm việc và hợp tác với khu vực tư nhân. Các chính sách của Nhà nước thiên về xúc tác các hoạt động tương tự của khu vực doanh nghiệp, không làm thay. Các sáng kiến của Nhà nước tập trung vào việc giành lại (hoặc duy trì) vị thế thống trị về công nghệ của quốc gia trên trường quốc tế (Sáng kiến chiến lược Nano, Chương trình sản xuất tiên tiến, Chương trình Made in America…).

Và tại Việt Nam

Theo đánh giá của các nhà khoa học, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 43,3% trong giai đoạn 3 năm 2016 - 2018; giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 43,5%.

Có được các kết quả trên là nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang mô hình mới dựa trên nền tảng nâng cao năng suất lao động với việc áp dụng các thành tựu KH - CN tiên tiến. Tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hợp tác ĐMST, kết nối các ngành kinh tế, hình thành các chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao hiệu quả trong huy động, phân bổ và sử dụng vốn, phát huy vai trò của nhân tố lao động trong tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu,...

Trong giai đoạn 2011 - 2020, STI ở Việt Nam đã thể hiện đóng góp quan trọng trên cả ba trụ cột cơ bản của phát triển bền vững là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Về phương diện phát triển kinh tế, KH - CN được xác định là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động (NSLĐ), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2017, năng suất lao động tăng 6,0%; năm 2018 ước tính tăng 5,9%, dự kiến vẫn đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực ASEAN như vậy tốc độ tăng NSLĐ của năm 2017, 2018 cao hơn mục tiêu tăng bình quân 5,5% trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII.

Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của KH - CN và ĐMST trong phát triển bền vững và tăng cường đầu tư cho KH - CN. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước như VinGroup, Viettel, VNPT, TH, Thaco... đã chuyển hướng chiến lược, đầu tư rất lớn cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thành lập viện nghiên cứu, trường đại học của doanh nghiệp. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho KH - CN đã thay đổi theo chiều hướng tích cực (5,2:4,8).

Chính phủ Việt Nam xác định phát triển STI và nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược (cùng với cải cách thể chế và hạ tầng); là đòn bẩy của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Cùng với đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hình thái xã hội 5.0 sẽ tác động tất yếu tới tất cả các quốc gia, sự phát triển đột phá của các công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, công nghệ tích hợp giữa vật lý, sinh học và kỹ thuật số) sẽ làm thay đổi cách thức quản lý và vận hành kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và điều hành của các Chính phủ.

Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đóng vai trò đột phá trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn tới, theo các chuyên gia, cần phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền; phát triển hệ thống ĐMST quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh; nâng cao hiệu quả đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu KH - CN trên cơ sở áp dụng mô hình quản trị mới theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai các chương trình KH - CN, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học hợp tác với doanh nghiệp theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng mô hình đối tác công - tư nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ĐMST; thúc đẩy hợp tác quốc tế về STI nhằm khai thác lợi thế, chia sẻ kinh nghiệm và tận dụng các thành tựu KH - CN tiên tiến, cũng như chủ động nắm rõ các xu thế KH - CN trên thế giới để có phương án vận dụng hiệu quả vào Việt Nam... 
Nguồn tin: Đại biểu Nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner