Năng lượng nguyên tử Thứ tư, 24/04/2024 , 12:27 pm
Cập nhật : 30/12/2019 , 13:12(GMT +7)
KH&CN hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị
Đó là chủ đề đã được hưởng ứng và triển khai trong các đơn vị thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) năm 2019, bắt đầu phát huy hiệu quả. Sự phối hợp với doanh nghiệp đã góp phần tăng cao doanh số sản xuất, dịch vụ. Một số dự án phối hợp với doanh nghiệp đang được triển khai, đưa kỹ thuật hạt nhân vào đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội.

Sáng 28/12, tại Hà Nội, Viện NLNTVN đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, tham tán Đại sứ quan Nga tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Viện NLNTVN.

71 công trình công bố quốc tế

Tại Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Phạm Quang Minh đã báo cáo tóm tắt Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Viện NLNTVN gồm các nội dung chính: Đặc điểm tình hình của năm 2019; Kết quả hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng trong năm 2019; Thực hiện các dự án đầu tư; Phương hướng, nhiệm vụ và chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020; Một số đề xuất và kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ.

Năm 2019 là năm đầu tiên các đơn vị trong Viện NLNTVN thực hiện phương án tự chủ theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập. Do là năm đầu tiên đi vào thực hiện nên đã gặp một số khó khăn nhất định trong việc triển khai thực hiện, thanh quyết toán nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và kinh phí tự chủ.

Với chủ đề tập trung hướng đến là “Khoa học công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, Viện đã đạt được nhiều kết quả từ nghiên cứu khoa học đến phát triển nguồn nhân lực, từ triển khai dịch vụ kỹ thuật đến hoạt động tổ chức đoàn thể, toàn. Từ các hoạt động nghiên cứu, Viện NLNTVN đã có nhiều công bố trên các tạp chí, hội nghị trong nước và quốc tế. Tổng số công trình Viện đạt được trong năm 2019 là 265, trong đó số công trình đăng tải trên các tạp chí quốc tế là 71 công trình, trong đó có 57 công trình đăng trên các tạp chí ISI, tăng so với năm 2018 là 15 công trình (năm 2018 có 56 công bố quốc tế trong đó có 48 công trình đăng trên ISI). Trong số các công trình công bố quốc tế có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí có IF cao như các tạp chí Phys. Rev. Lett., Phys. Lett. B, Phys. Rev. C. 

Viện đã vận hành an toàn và khai thác hiệu quả Lò phản ứng (LPƯ) hạt nhân Đà Lạt với tổng thời gian hoạt động ở công suất danh định đạt 2900 giờ, tăng 32% so với năm 2018 và tăng 108% so với trung bình trong giai đoạn 2011-2018. Sản xuất 551 Ci đồng vị phóng xạ các loại trên LPƯ.

Cùng với đó, Viện NLNTVN đang triển khai tích cực xây dựng và quản lý vận hành Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và  hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân. 

Cơ sở ứng dụng bức xạ Đà Nẵng đã được cấp phép vận hành và đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu chiếu xạ bảo quản nông sản, thủy hải sản, giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chiếu xạ cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung,bước đầu triển khai tốt hoạt động dịch vụ và nghiên cứu.  

Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành phát biểu tại Hội nghị 

Đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai, ứng dụng 

Phó Viện trưởng Viện NLNTVN Phạm Quang Minh cho biết, về nghiên cứu cơ bản, nhóm nghiên cứu cơ bản của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) đã tập trung vào các nghiên cứu vật lý các hạt nhân không bền, phản ứng hạt nhân, số liệu hạt nhân và tiến hành các nghiên cứu cấu trúc hạt nhân không bền thông qua các thí nghiệm trên tổ hợp máy gia tốc tại RIKEN, Nhật Bản, phản ứng hạt nhân trên bia 10B gây bởi chùm hạt p và  trên máy gia tốc 5SDH-2 Pelletron. 

Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) đã thu được số liệu các hạt nhân và cấu trúc mức của một số hạt nhân nặng không bền, cấu trúc mức kích thích của các hạt nhân Sm-153, Dy-162 và Yb-172 ở trạng thái hợp phần thông qua phản ứng bắt nơtron nhiệt trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các số liệu hạt nhân k0, Q0 và Er của các nguyên tố quan tâm trong phân tích kích hoạt nơtron theo chuẩn k0. Đưa kênh ngang số 1 của LPƯ hạt nhân Đà Lạt vào phục vụ nghiên cứu vật lý hạt nhân và đào tạo, hoàn thiện số hóa các hệ đo gamma đa kênh và trùng phùng; đồng thời bổ sung các số liệu hạt nhân và cấu trúc mức của một số hạt nhân nặng không bền.

Viện KH&KTHN xây dựng các mô hình tính toán sử dụng các chương trình tính toán động học lò phản ứng PARCS, NODAL3 để phân tích sự cố bật thanh điều khiển mất kiểm soát ra khỏi vùng hoạt lò phản ứng PWR nạp tải nhiên liệu UO2 và MOX; hoàn thành việc xây dựng các mô hình tính toán, phân tích động học và sự cố độ phản ứng LPƯ hạt nhân Đà Lạt sử dụng các chương trình PARCS, SCALE/TRITON, MCNP6 và Serpent 2. 

 Trung tâm Hạt nhân Tp.HCM đang tiến hành các nghiên cứu liên quan đến việc mô phỏng hoạt động của LPƯ hạt nhân Đà Lạt. Bên cạnh đó, Trung tâm đang tiến hành nghiên cứu chế tạo vật liệu zeolite ZSM-5 có đặc tính xử lý chất thải nguy hại và ứng dụng trong xúc tác công nghiệp.

Viện Công nghệ xạ hiếm (CNXH) tập trung vào phát triển lĩnh vực xử lý chất thải phóng xạ, xử lý thải và đánh giá môi trường cũng được ưu tiên phát triển thông qua đề tài chế tạo vật liệu hấp phụ hiệu năng cao SBA-15 để xử lý nước nhiễm xạ và nhiệm vụ cấp bộ về xin cấp phép cho phòng chuẩn ISO/IEC 17025 phục vụ cho đánh giá môi trường. Kết quả nghiên cứu trong đề tài cấp Bộ về đánh giá hiện trạng và thử nghiệm công nghệ xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng tại cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và triển khai công nghệ xử lý quặng xạ hiếm đã được áp dụng trong việc xử lý nước thải ô nhiễm trong ao tại cơ sở Phùng. 

Viện KH&KTHN đã triển khai tích cực nhiệm vụ xây dựng, quản lý và vận hành Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia khu vực Miền Bắc. Viện đã lắp đặt, duy trì hoạt động của các thiết bị online, offline đo phóng xạ tại một số trạm địa phương (Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái, Bãi Cháy, Hải Phòng, Hà Nội, Vinh và Đà Nẵng), đầu tư trang thiết bị cho trạm điều hành chính và trạm vùng 

Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) đã chế tạo được 01 thiết bị đo liều neutron sử dụng đầu dò cấu trúc PRESCILA, kiểm soát liều bức xạ neutron góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, đảm bảo an toàn, an ninh nguồn bức xạ và góp phần phục vụ cơ quan quản lý nhà nước về bức xạ hạt nhân…

Về nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ, Viện KH&KTHN  đang nghiên cứu phát triển kỹ thuật đồng vị (C-13 và O-18) hỗ trợ phát hiện nguồn gốc nông sản (táo) đã xây dựng được các quy trình và bộ số liệu tỷ số đồng vị bền 2H và 18O; quy trình phân tích và bộ số liệu kết quả phân tích đồng vị bền C13 (δ 13C) của mẫu mật ong. Kết quả nghiên cứu đã hỗ trợ thực hiện dự án RAS5081hợp tác vùng của Việt Nam với IAEA về “Tăng cường An toàn thực phẩm và hỗ trợ giám định các mặt hàng thực phẩm trong khu vực bằng các kỹ thuật hạt nhân”.

Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã hoàn thành dây chuyền sản xuất phân vi sinh dạng hạt và phân bón lá phục vụ nông nghiệp với quy mô công suất 20kg/mẻ đang tiến hành khảo nghiệm vụ thứ 2 để xin phép lưu hành sản phẩm. Trung tâm đã nghiên cứu được qui trình xử lý chiếu xạ và sàng lọc tạo chủng Trichoderma đột biến có khả năng sinh cellulase cao để tạo chế phẩm phân giải nhanh rơm rạ trên đồng ruộng góp phần hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường và cải tạo độ phì nhiêu của đất nhờ đó tiết kiệm chi phí mua phân bón hóa học, tiến đến phát triển một nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ sạch và bền vững. 

Để đảm bảo thiết bị chiếu xạ hoạt động an toàn và liên tục đáp ứng tốt nhu cầu chiếu xạ của khách hàng, các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm CXHN, Trung tâm VINAGAMMA luôn chủ động nghiên cứu và thiết kế, cải tiến một số dụng cụ nhằm chủ động khắc phục các sự cố nhỏ phát sinh trong quá trình vận hành. 

Một số thành tích đáng kể trong ứng dụng, sản xuất và dịch vụ của Viện NLNTVN trong năm 2019 phải kể đến như: Viện NCHN tiếp tục phát triển các dịch vụ quan trắc môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận VIMCERTS theo quy định tại Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ và chứng nhận mới VietGAP cho 40 đơn vị, hộ cá thể. 

Đối với lĩnh vực cung cấp chế phẩm nông nghiệp, Viện NCHN hiện đơn vị đang triển khai hợp tác nghiên cứu, triển khai với các doanh nghiệp (Công ty Bio R&D; Phương Đông,v.v) nhằm mở rộng cơ cấu sản phẩm, thị trường nông nghiệp sạch. Khai thác 2 nguồn chiếu xạ Co 60 phục vụ nghiên cứu, triển khai đạt 4.700 giờ. Doanh thu năm 2019 khoảng 55 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý trong năm 2019 Viện KH&KTHN đã đẩy mạnh dịch vụ Tư vấn, thẩm định thiết kế an toàn bức xạ cho các cơ sở xạ trị, y học hạt nhân trong cơ sở nhà nước cũng như tư nhân và làm tư vấn tổng thể cho Dự án của Ngân hàng Thế giới về đầu tư các trang thiết bị xạ trị, y học hạt nhân cho các Bệnh viện tỉnh thuộc 5 tỉnh đồng bằng Sông Hồng: Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang và Ninh Bình.

Trung tâm VINAGAMMA vận hành và khai thác an toàn máy chiếu xạ chùm tia điện tử và máy chiếu xạ nguồn Co-60 theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, phục vụ cho các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ bức xạ. 

Trung tâm CXHN đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong việc chiếu xạ xuất khẩu vải và nhãn sang Úc, góp phần mở rộng đầu ra cho sản phẩm, tránh được việc mất giá khi xuất sang Trung Quốc. Tổng hàng hóa chiếu xạ đạt khoảng 5.766 m3 với 1.333 tấn hàng hóa trong đó có 9,3 tấn vải xoài với thời gian chiếu xạ khoảng 7.000 giờ. 

Toàn cảnh Hội nghị

 Trung tâm CANTI ngoài các dịch vụ đào tạo, cung cấp giống cây trồng Trung tâm đã cung cấp dịch vụ kiểm tra thép carbon trong chân mối hàn thép không rỉ tại Nhà máy Lọc - Hóa dầu Nghi Sơn với giá trị hợp đồng  8,253 tỷ đồng, dịch vụ phân tích mẫu trong khai thác dầu, xử lý nước thải với tổng doanh thu là 1,410 tỷ đồng. Hướng tìm kiếm hợp đồng dịch vụ ở nước ngoài như Kuwait, Iraq vẫn được tiếp tục.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc ghi nhận và chúc mừng những kết quả Viện NLNTVN đạt được trong năm 2019. Năm 2019 đánh dấu sự phát triển đi lên của toàn Viện NLNTVN, thể hiện qua việc tăng số lượng công bố quốc tế, tăng doanh số ứng dụng, sản xuất, dịch vụ. Các hoạt động triển khai kỹ thuật, sản xuất và dịch vụ của các đơn vị trong Viện NLNTVN có kết quả tốt, đạt tổng mức doanh thu là 315,300 tỷ đồng tăng 29,867 tỷ đồng so với năm 2018 (285,433 tỷ đồng). Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Viện cần quan tâm đến vấn đề tổ chức và nhân sự. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của những chuyên gia có kinh nghiệm, Viện cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực trong thời gian tới. 

Viện trưởng Viện NLNTVN Trần Chí Thành cảm ơn Lãnh đạo Bộ KH&CN, các Cục, Vụ chức năng của Bộ, các đối tác trong nước và nước ngoài đã quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để Viện hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2019.

Bài, ảnh: Phương Nga

 

 

 






                                                                     

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner