Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 05/12/2024 , 12:50 pm
Cập nhật : 17/05/2024 , 09:05(GMT +7)
KH,CN&ĐMST là tài nguyên vô tận, là con đường ngắn nhất để đạt các mục tiêu
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, tinh thần say mê nghiên cứu, dấn thân vì KH&CN của các thế hệ đi trước tiếp tục được lan tỏa, phát huy mạnh mẽ trong thế hệ trẻ, nhất là đội ngũ nhà khoa học hôm nay và tương lai.

Sáng 15/5/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024), Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với chủ đề "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia".


Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ chào mừng Ngày KHCN Việt Nam, kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024), lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024.

Đóng góp nổi bật trong phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong 65 năm xây dựng và trưởng thành, qua từng giai đoạn lịch sử, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tên gọi của Bộ đã có những thay đổi. Tuy nhiên, dù với tên gọi nào, Bộ KH&CN luôn được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định và triển khai các chính sách phát triển KH&CN.

Trong nhiều năm qua, pháp luật về KH&CN luôn được quan tâm xây dựng và sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn quản lý, như: Luật KH&CN năm 2000; Luật KH&CN năm 2013; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, 2017; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật Đo lường năm 2011... Các đạo luật này cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành ngày càng hoàn thiện, đã góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đồng bộ hơn cho hoạt động KH&CN và quản lý KH&CN. Hiện nay, Bộ KH&CN đang được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát, sửa đổi toàn diện Luật KH&CN năm 2013; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 và Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, hiện nay, Bộ đang tập trung rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST.

Có thể thấy rằng, trong gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động KH&CN cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trên cơ sở đó, KH&CN đã có những đóng góp nổi bật trong phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, ghi nhận, biểu dương.

Đặc biệt, hơn 10 năm qua, Ngày KH&CN Việt Nam trở thành ngày hội của lực lượng KH,CN&ĐMST của cả nước. Nhiều hoạt động đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; hình thành văn hóa ĐMST và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo.

Tại buổi Lễ, đại diện một số Bộ, ngành, doanh nghiệp đã có bài phát biểu khẳng định vai trò của KH,CN&ĐMST trong phát triển KT-XH đất nước.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định KH&CN đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế chung, trong đó làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, việc gia tăng giá trị nông nghiệp sẽ được tích lũy trên hành trình tri thức, áp dụng công nghệ; áp dụng trong phòng thí nghiệm, khởi nguồn từ những câu hỏi đời sống hàng ngày. Đó là làm sao để nông sản đạt chất lượng cao hơn, tối ưu hóa sản phẩm trên một diện tích, thu nhập đời sống của người nông dân tốt hơn... Giá trị gia tăng nông nghiệp còn được thể hiện ở việc áp dụng kinh tế xanh tuần hoàn trong nông nghiệp.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết hợp Bộ KH&CN trong nhiều hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách... Thời gian tới, cả hai Bộ sẽ phát triển cơ chế ghi danh và liên kết công nghệ với nông nghiệp; tổ chức diễn đàn trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ... giúp kết nối cung và cầu, ghi nhận, lắng nghe phản ánh về các sản phẩm khoa học công nghệ nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.


Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu.

Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh mỗi thắng lợi của đất nước không thể tách rời sự đóng góp hiệu quả, to lớn của đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học. Gắn bó với ngành hơn 40 năm, chứng kiến sự trưởng thành của nền KH&CN nước nhà, ông Phan Xuân Dũng ghi nhận đóng góp của ngành KH&CN trong công cuộc xây dựng và phát triển, bảo vệ đất nước. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Việt làm rạng danh đất nước, không chỉ rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới mà còn tạo nên thứ bậc ngày càng cao và có uy tín trên thế giới.


Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho biết, địa phương bứt tốc nhờ ĐMST. Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng tăng trưởng kinh tế đạt 10,34%, 9 năm liền đạt tốc độ tăng trưởng hai con số; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả lịch sử với hơn 3,6 tỷ USD. Hải Phòng luôn nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố về các chỉ số như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính (PAR), đặc biệt, Hải Phòng đạt 52,32 điểm, đứng thứ 3 cả nước sau Thủ đô Hà Nội và TP. HCM về chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII). "Đạt được những thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của KH,CN&ĐMST", Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường nhấn mạnh.


Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường phát biểu.

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Sinh học Nông nghiệp (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) dẫn báo cáo tổ chức Liên hiệp quốc, số lượng phụ nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học đang dần tăng lên trên toàn cầu. Nhưng sự tiến bộ này vẫn còn rất hạn chế chỉ có 18% tỷ lệ nhà khoa học nữ giữ vai trò lãnh đạo cấp cao ở châu Âu và chỉ 12% thành viên của các học viện khoa học quốc gia trên toàn cầu là phụ nữ. Tại Việt Nam, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày một tăng, chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình.

PGS . TS Hồ Thị Thanh Vân mong muốn lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ KH&CN cùng các bộ ban ngành sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thông qua những chính sách, cơ chế thúc đẩy nguồn nhân lực đội ngũ trí thức, nhà khoa học nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng.


PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân phát biểu.

Đại diện khối doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) chia sẻ về chặng đường hình thành và phát triển của tập đoàn. Ông khẳng định sự lớn mạnh của tập đoàn nhờ mạnh dạn ứng dụng, đổi mới công nghệ. Những năm qua, Thaco đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến trong hoạt động sản xuất và quản trị điều hành, hướng đến xây dựng mô hình nhà máy thông minh. “Sáng kiến khoa học giúp doanh nghiệp tiết kiệm 70 tỷ đồng mỗi năm. Với doanh nghiệp, hoạt động ĐMST là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, công nghệ hoặc mô hình sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều lợi ích và đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn".


Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco phát biểu.

Tiếp tục lan toả, tạo động lực cho sự phát triển nền KH&CN nước nhà

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ngày KH&CN Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) và trao Giải thưởng khoa học mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu - một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam.

Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của ngành KH&CN Việt Nam, cùng tri ân sự nỗ lực cống hiến không mệt mỏi của biết bao thế hệ nhà khoa học, cán bộ quản lý, đóng góp quan trọng, thiết thực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.

Thủ tướng nhấn mạnh, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành KH&CN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng ghi nhận KH&CN có những đóng góp quan trọng trong mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Theo đó KH&CN hiện diện trong các công trình lớn của quốc gia như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La hay Lai Châu... "đều là nhờ các nhà khoa học dám dấn thân thực hiện cùng sự đóng góp của nhiều người". Theo Thủ tướng, sự quyết tâm của các nhà khoa học, sự quản lý của các lãnh đạo giúp "biến cái không thể thành có thể", "biến khó thành dễ"...


Theo Thủ tướng KH,CN&ĐMST là tài nguyên vô tận, là con đường ngắn nhất để đạt các mục tiêu.

Thủ tướng cũng nhắc kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cũng có sự đóng góp của KH&CN nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, giúp hội nhập quốc tế. Nhìn lại quá trình phát triển của đất nước, các bài học được rút ra: kiên trì; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh của nhân dân; và sự lãnh đạo của Đảng.

Thủ tướng khẳng định những kết quả thành công và đóng góp của KH&CN như đã nêu trên là minh chứng rõ nét khẳng định: Đây là một chủ trương, đường lối hết sức đúng đắn, phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước thời gian qua và còn nguyên giá trị trong giai đoạn mới. 

Thủ tướng mong muốn, tinh thần say mê nghiên cứu, dấn thân vì KH&CN của các thế hệ đi trước tiếp tục được lan tỏa, phát huy mạnh mẽ trong thế hệ trẻ, nhất là đội ngũ nhà khoa học hôm nay và tương lai.

Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ những nhà khoa học mới đóng góp cho KH&CN, tất cả chúng ta đều có thể góp sức cho sự nghiệp KH&CN ở những góc độ khác nhau, công việc, nhiệm vụ khác nhau, nhất là thế hệ trẻ.

"Chúng ta hãy nỗ lực, cố gắng hơn nữa, để KH,CN&ĐMST đồng hành cùng sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, vì tương lai tươi sáng của dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Đây chính là một yếu tố đặc biệt quan trọng để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm phấn đấu, thực hiện được mục tiêu xây dựng đất nước hiện đại, phồn vinh và phát triển bền vững"- Thủ tướng nói.

Bên cạnh những thành tựu, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế như sự phát triển chưa tương xứng với tầm vóc; cơ chế quản lý còn chưa phù hợp, chưa có cơ chế xứng đáng giữ chân người tài; đầu tư còn hạn hẹp, thị trường KH&CN phát triển còn chậm; thương mại hóa còn hạn chế...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho PGS.TS Trần Mạnh Trí và TS. Nguyễn Thị Kim Thanh.

Thủ tướng cho rằng, nếu tài nguyên thiên nhiên hữu hạn thì KH,CN&ĐMST là vô hạn. Phát triển nhân lực gắn với KH,CN&ĐMST  là động lực thúc đẩy tăng trưởng, có ý nghĩa sống còn để bứt phá. Do đó, cần xây dựng cơ chế phát triển KH&CN, đầu tư thích đáng cho hạ tầng khoa học; nâng cao chất lượng nhân lực, nhất là khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt chú ý đến nhà khoa học trẻ, nhà khoa học nữ, những người ở vùng sâu vùng xa; tăng cường thu hút đầu tư vào KH,CN&ĐMST; tập trung phát triển thị trường KH&CN.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần kiên trì đề ra các giải pháp thúc đẩy ĐMST, các chính sách ưu đãi tôn vinh, trọng dụng, khuyến khích sự dấn thân trong khoa học; sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đối với các nhà khoa học cần đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết, với những trọng trách lớn, dám hy sinh, chấp nhận rủi ro.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh với Lãnh đạo Bộ KH&CN qua các thời kỳ.

Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng đã đánh giá cao, ghi nhận vai trò của KH,CN&ĐMST trong phát triển đất nước nhanh và bền vững và cho biết, Bộ KH&CN sẽ quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng với 6 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và khắc phục những yếu kém của ngành.

Trong khuôn khổ sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã tham quan Triển lãm giới thiệu những thành tựu KH,CN&ĐMST tiêu biểu trong 65 năm qua và khu vực gian hàng trưng bày các kết quả nghiên cứu, sản phẩm của các lĩnh vực quốc phòng, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, khoa học xã hội và nhân văn...

 

Bài, ảnh: Nhóm PV

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner