Tiềm lực KH&CN Thứ tư, 24/04/2024 , 04:51 pm
Cập nhật : 16/09/2021 , 16:09(GMT +7)
Doanh nghiệp ứng dụng AI đang chiếm ưu thế
Các diễn giả trong phiên báo cáo.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành xu thế không thể đảo ngược trong phát triển, đem lại những hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

Chiều 16/9, tại tọa đàm "Doanh nghiệp và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo", các khách mời đã chia sẻ những câu chuyện từ thực tế cho thấy AI sẽ giúp cả bộ máy quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp thích ứng nhanh hơn với tình hình mới.

AI giải bài toán thực tế
 
Dẫn câu chuyện từ doanh nghiệp của mình, ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Technology cho biết, nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ AI để giải bài toán của Việt Nam và doanh nghiệp.

AI được ứng dụng từ nhiều năm trước ở VNPT Technology để phát triển các thiết bị AI camera tập trung vào khách hàng hộ gia đình, xử lý ảnh, video; AI Box và các sản phẩm xử lý ngôn ngữ tự nhiên như tiếng Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc...

Những bộ sản phẩm được phát triển với mục tiêu đáp ứng yêu cầu, giải bài toán thực tế. Một trong số đó hệ thống camera được tiếp cận theo cách ứng dụng AI cải thiện thành camera thông minh. Sản phẩm này có thể sử dụng để doanh nghiệp giám sát an ninh, điểm danh nhân viên, quản lý truy cập, nhận diện khách hàng.

Theo ông Quyền, các sản phẩm nhận dạng khuôn mặt, dấu vân tay, giọng nói... đã được ứng dụng trong các ngân hàng.

Ở gia đình camera thông minh cũng có thể nhận dạng hành vi người già, trẻ em hay nhận biết sự xâm nhập của người lạ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp AI và IoT cũng được VNPT Technology ứng dụng công nghệ cao. Công nghệ giúp tự động hóa và tối ưu quy trình chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng, theo dõi phản ứng của cây được thu thập, từ đó đưa ra dự báo tăng trưởng, nhận diện và dự báo tình trạng sâu bệnh của cây trồng. Các mô hình đã được tối ưu và ứng dụng cho từng loại cây trồng

Ở quy mô lớn hơn có các giải pháp ứng dụng AI trong sản xuất để giám sát toàn bộ dây chuyền, tối ưu hóa quá trình sản xuất.

Ông Quyền cho biết, các sản phẩm là nỗ lực hợp tác của các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp để xây dựng hệ sinh thái, ứng dụng AI vào thực tế.

Minh chứng thêm các ứng ứng dụng AI giải bài toán thực tế của cuộc sống, TS Hoàng Ngọc Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel giới thiệu nhiều ứng dụng AI trong hành chính công, trong đó AI có thể tương tác với người dân, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, quản lý các nguồn lực, tài sản, tài nguyên và hỗ trợ ra quyết định.

TS Dương cho biết, ở Viettel đã xây dựng chiến lược AI đến năm 2025, tập trung phát triển và làm chủ công nghệ lõi của AI. Thời gian qua đã có một số sản phẩm ứng dụng AI được phát triển.

Một trong số đó là ứng dụng Cyber-Callbot tự động gọi điện nhắc người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, được phát triển năm 2021. Tại Hải Dương, sản phẩm này đã gọi gần 1 triệu cuộc gọi trong hơn 10 ngày. Tại Bắc Ninh và Bắc Giang, ứng dụng đã thực hiện 1,5 triệu cuộc gọi trong 2 ngày. Kết quả, số lượng người dân cài đặt ứng dụng Bluezone tăng gấp 3 lần so với cuộc gọi từ cán bộ.

"Để thực hiện 1 triệu cuộc gọi thông thường mất 1 tháng, nhưng với sản phẩm này chỉ mất 1 ngày. Hiện Viettel đã tối ưu nâng cao hiệu năng gọi 1 triệu cuộc gọi trong 8 giờ", TS Dương cho biết.

Sản phẩm này còn được ứng dụng gọi điện cho bệnh nhân F0 điều trị bằng thuốc Molnupiravir nhắc nhở uống thuốc thay cho nhân viên y tế. Cyber Callbot đã thực hiện trên 10.000 cuộc gọi cho bệnh nhân, thu nhập được 5.200 triệu chứng để chuyển cho bác sĩ nghiên cứu. Ứng dụng này đảm bảo các trường hợp đều được nhắc nhở dùng thuốc đúng giờ và không bị bỏ sót.

Là diễn giả thứ ba trong phiên báo cáo, diễn giả Nguyễn Văn Minh Đức, đồng sáng lập kiêm CEO của Công ty Hekate AI cũng chỉ ra nhiều ứng dụng AI trong thực tế. Trong đó có các ứng dụng chăm sóc khách hàng, quản lý quy trình sản xuất và các vấn đề quản trị nhân sự.

Công ty Hekate AI đã phát triển nhiều ứng dụng, hợp tác với tác giả ứng dụng AI viết sách, soạn nhạc. Trong lĩnh vực y học, công ty cũng hợp tác với bác sỹ dùng AI chẩn đoán các bệnh liên quan mạch máu não; tư vấn cho cộng đồng người chuyển giới (LGBT). AI còn được Công ty Hekate AI ứng dụng đế phát hiện, kiểm tra vi phạm của nhãn hàng quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi trên các nền tảng xuyên quốc gia...

Cơ quan nhà nước phải tiên phong ứng dụng AI

Sang phần thảo luận bàn tròn, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra góc nhìn từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy ứng dụng AI.

Ông Tiến cho biết, trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng chủ lực. Mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam sẽ phát triển được 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó có doanh nghiệp liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Để đạt mục tiêu, nhà nước phải tạo điều kiện môi trường pháp lý như ưu đãi thuế, đất đai, phát triển khu công nghiệp tập trung...

Chương trình cũng xác định, các cơ quan nhà nước phải đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có ứng dụng AI. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất có môi trường để thử nghiệm sản phẩm của mình và các cơ quan nhà nước có thể quảng bá sản phẩm chứng minh hiệu quả trong quá trình triển khai. Cơ quan nhà nước cũng phải có trách nhiệm là cầu nối giữa doanh nghiệp ứng dụng và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm AI.

Tuy nhiên, khi ứng dụng AI để giải bài toán cho cơ quan quản lý nhà nước nhận ra điểm yếu đó là dữ liệu. Theo ông Tiến, hiện nguồn dữ liệu trong các cơ quan nhà nước còn hạn chế, nhiều khâu vẫn làm thủ công. Nhiều cán bộ công chức quen với quy trình cũ, ngại thay đổi. Trong khi chính các thao tác đưa dữ liệu chuyển đổi số sẽ sinh ra.

Vì vậy ông Tiến cho rằng, để có thể phát triển được các sản phẩm giải bài toán cốt lõi cả khu vực công và doanh nghiệp, việc làm dày và liên thông dữ liệu là quan trọng. Trong đó các lĩnh vực dữ liệu không gian địa lý, IoT về hạ tầng thiết yếu, thành phố thông minh, hay hành vi khách hàng ứng dụng cho tài chính ngân hàng...

Theo ông Quyền, để thúc đẩy lĩnh vực AI nên hình thành cộng đồng chia sẻ và đồng hành với nhau cùng giải bài toán của Việt Nam, tránh lãng phí nguồn lực.

Ông Quyền cũng chia sẻ kinh nghiệm hình thành cộng đồng bằng cách xây dựng các trung tâm ươm tạo thu hút đầu tư phát triển AI. Có rất nhiều nhóm nghiên cứu nhỏ cần được hỗ trợ để đưa ý tưởng nghiên cứu thành sản phẩm. "Chúng tôi kết hợp với các trường đại học, nhóm nghiên cứu để phát triển. Nếu nhóm nghiên cứu đã có sản phẩm, sẽ tích hợp đưa vào ứng dụng, hoặc mới chỉ là ý tưởng thì sẽ được đồng hành để đi đến cùng để hoàn thiện", ông Quyền nói.

TS Trần Hùng, CEO GoIT cho rằng AI không phải là công nghệ gì xa vời. AI đơn giản là tối ưu hóa những quy trình lặp đi lặp lại để đem lại hiệu quả cao hơn bằng những dữ liệu đã có sẵn. AI giải những bài toán đơn giản nhất mà thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Về cơ hội việc làm của người dân sẽ thay đổi thế nào khi ứng dụng AI, ông Trần Việt Hùng cho rằng thực tế có một số ngành nghề không cạnh tranh được với AI. Khi đó, con người phải tự học hỏi, chuyển hướng để nâng cao kỹ năng, tạo ra giá trị nhiều hơn thay vì làm những công việc đơn giản thông thường. Một số ngành nghề trong tương lai khi phát triển AI sẽ biến mất, nhưng những công việc liên quan đến sáng tạo, đem lại hiệu quả cao, vẫn luôn có chỗ đứng.

Đồng tình quan điểm này, Trần Hữu Quyền cho rằng, không nên lo mất việc. Con người càng phát triển càng phải làm những việc xứng đáng. Những công việc lặp đi lặp lại, nhàm chán, sử dụng ít trí tuệ nên để cho máy móc làm.

Nói về cách phát triển các sản phẩm AI, vận hành và ứng dụng trong cuộc sống PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn ở góc độ đạo đức. Bà cho rằng có 4 nguyên tắc phải tuân thủ: Tôn trọng quyền tự chủ, phòng ngừa tác hại, công bằng và có thể giải thích (tức là minh bạch, công khai).

Phát triển công nghệ AI nhưng phải lấy con người làm trung tâm, đảm bảo được tính an toàn và bảo mật, tôn trọng quyền tự quyết định của mỗi người. "Phải bảo đảm sự giám sát của con người đối với các hệ thống AI", PGS Quế Anh nói.

TS Hoàng Ngọc Dương cho rằng, trong tương lai, để phát triển AI phải xây dựng được các nền tảng dùng chung dựa trên cơ sở dữ liệu chia sẻ được với nhau. Trước tiên cần tập trung phát triển nguồn lực con người, tiếp đến là mảng ứng dụng bám sát nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, quy trình nghiệp vụ của các cơ quan quản lý từ cấp phường, xã, huyện. Để làm được như thế phải thường xuyên đào tạo đội ngũ cán bộ chuyển đổi số, nâng cao năng lực của đội ngũ này là nền tảng để ứng dụng AI thành công.

Đánh giá cao những đề xuất, thông tin các diễn giả chia sẻ trong tọa đàm, ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ tiếp thu và áp dụng hiệu quả trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030.

"Doanh nghiệp và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo" là tọa đàm thứ tư, trong chuỗi hoạt động Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 được Thủ tướng ký ban hành đầu năm 2021. Chiến lược được ban hành với kỳ vọng thúc đẩy sự phát triển AI tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.

Chuỗi hoạt động lần này có 5 tọa đàm chuyên đề. Đồng hành với Bộ Khoa học và Công nghệ trong chuỗi tọa đàm này còn có Aus4Innovation là đơn vị tài trợ, Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam FISU phối hợp tổ chức và báo Vnexpress là đơn vị truyền thông chính thức.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner