Hội nhập Quốc tế Thứ bảy, 27/04/2024 , 08:35 am
Cập nhật : 22/09/2016 , 17:09(GMT +7)
Để Việt Nam thành Quốc gia khởi nghiệp
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Thanh Hà-TTO)
"Chính phủ sẽ đồng hành và có nhiều chính sách hỗ trợ, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp phát triển, vấn đề quan trọng hiện nay là xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách và tổ chức thực hiện về khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển DN".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tại Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel” do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức ngày 21/9/2016.

Những con số biết nói về start up Israel

Israel là một trong những quốc gia chú trọng đến nghiên cứu và phát triển (R&D) với tỷ lệ R&D/GDP cao bậc nhất thế giới. Những tên tuổi khổng lồ trên toàn thế giới như Intel, eBay, Apple, IBM, Google và Microsoft đều đến Israel và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và trung tâm R&D tại đây. Nếu Microsoft đã ra mắt trung tâm R&D thì Apple lại mua 2 công ty khởi nghiệp chỉ trong vòng 2 năm, còn Intel thì đầu tư vào 64 startup tại Israel.

Là một quốc gia đề cao phong trào khởi nghiệp, bà Esther Barak Landes – CEO, Nielsen Innovate Fund đến từ Israel đã đưa ra những con số ngưỡng mộ. Tại Israel, Chính phủ cũng như toàn xã hội luôn đánh giá cao những doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ hết mình. Ưu đãi về thuế, tạo môi trường thuận lợi, năng động là điều mà bất kỳ Start-up cũng như các nhà đầu tư mong đợi. Chỉ trong năm 2015, theo thống kê, các Start-up tại Israel đã gây quỹ được tới 4,4 tỷ USD. Cũng từ các Start-up, trong năm 2015, đã có 8 phi vụ IPO trị giá 609 triệu USD, song hành với đó là 104 phi vụ thoái vốn trị giá 9,02 tỷ USD. Đặc biệt, trong các phi vụ thoái vốn đó, có tới 50% các thương vụ do nhà đầu tư Mỹ mua lại, 30% do nhà đầu tư Israel mua lại. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn, hiệu quả không thể phủ nhận của các Start-up tại đất nước giàu tiềm năng này.

Nói về thành công của các start up, bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam cho biết: “Chìa khoá thành công của chúng tôi là sự kinh doanh năng động, sự hỗ trợ mạnh mẽ của các quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm tạo ra sức sáng tạo mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh của đất nước. Việt Nam hiện đã thu hút được sự quan tâm nhất định với các quỹ đầu tư quốc tế trong vấn đề khởi nghiệp. Với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua, chúng tôi tin rằng sẽ sớm có các cơ chế mới hỗ trợ cho sự phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng phát triển hơn”.

Cần hoàn thiện cơ chế chính sách về khởi nghiệp

Với mục tiêu thành lập 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, sau đó nâng dần lên 5 triệu doanh nghiệp trong 5 năm tới, gấp gần 10 lần so với con số hiện tại, Việt Nam cần một cuộc cách mạng khởi nghiệp. 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ sẽ đồng hành và có nhiều chính sách hỗ trợ, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Để tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp phát triển, vấn đề quan trọng hiện nay là xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách và tổ chức thực hiện thể chế chính sách về khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển DN. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng chương trình truyền thông về khởi nghiệp, chúng ta sẽ xây dựng phong trào khởi nghiệp quốc gia từ khởi nghiệp của từng cá nhân, khởi nghiệp của những DN nhỏ, khởi nghiệp của những tập đoàn, tổng công ty để từ đó chúng ta xây dựng một quốc gia khởi nghiệp. 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết đưa ra những nhóm giải pháp cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang được Chính phủ tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Chính phủ cam kết mạnh mẽ sẽ luôn đồng hành và phục vụ doanh nghiệp nói chung, cộng đồng khởi nghiệp nói riêng. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách và tổ chức thực hiện thể chế chính sách về khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc Nghiệp vụ mảng Đầu tư Công ty tư nhân – Dragon Capital Group cho rằng Chính phủ Việt Nam cần sớm hoàn thiện và ban hành Thông tư về Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Là một nhà đầu tư tập trung vào công ty tư nhân, trong đó có các Start-up, đại diện Dragon cho biết việc hoàn thiện cơ chế sẽ tháo gỡ vướng mắc trong phương thức đầu tư cho nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài, giúp họ có thể dễ dàng sở hữu cổ phần trực tiếp tại các Start-up. Việc được “chính danh” sẽ giúp họ có cam kết lâu dài hơn và tham gia quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn,

Bên cạnh chính sách thông thoáng, thực tế cho thấy, có khoảng 90% các doanh nghiệp startup thất bại. Do đó, khởi nghiệp thực sự là một lộ trình dài hơi đòi hỏi các bên tham gia chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, kỹ năng, kiên trì và theo đuổi đến cùng với mục tiêu rõ ràng.

Hội thảo là cơ hội tốt để Chính phủ và Hà Nội học hỏi lý luận và kinh nghiệm thực tiễn từ Israel-Quốc gia khởi nghiệp mà cụ thể là kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cấp vĩ mô và vi mô. Trong đó, tập trung vào các nhóm chính sách cụ thể của Chính phủ, thể chế vận hành của cộng đồng Start-up ở một số ngành nghề chủ đạo; đề xuất chương trình hành động để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, tiếp tục khẳng định sự cam kết hỗ trợ của Chính phủ nhằm tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp.

Từ ngày 21/9 – 20/10, các Startup sẽ đăng ký và nộp hồ sơ tại website viisa.vn, Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) sẽ lựa chọn các Startup để đi vào vòng đào tạo dựa trên tiêu chí có đội ngũ mạnh để thực hiện ý tưởng kinh doanh, ý tưởng công nghệ đã được ứng dụng trên thực tế, khả năng mở rộng kinh doanh và phát triển bền vững trong tương lai.10 Startup được chọn sẽ được đội ngũ cố vấn của VIISA đào tạo trong 4 tháng (trong đó có 1 tháng đào tạo trực tuyến và 3 tháng đào tạo trực tiếp). Mỗi Startup dự kiến được rót từ 15000 USD cho đến 5% giá trị định giá công ty trong suốt quá trình đào tạo và đến khi tốt nghiệp; được hỗ trợ về văn phòng, nguồn lực kỹ thuật, dịch vụ kế toán…

Bài, ảnh: Đăng Minh

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner