Tiềm lực KH&CN Thứ sáu, 29/03/2024 , 08:47 pm
Cập nhật : 28/08/2016 , 15:08(GMT +7)
Cầu Hàm Luông: Giải pháp công nghệ mới trong thiết kế thi công xây dựng
Cầu Hàm Luông tạo nên diện mạo mới cho tỉnh Bến Tre
Với công nghệ mới phức tạp, nhịp đúc hẫng cân bằng 150m lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, cầu Hàm Luông hiện là cây cầu đúc hẫng có khẩu độ lớn nhất Việt Nam hiện nay do đội ngũ cán bộ, kỹ sư trong nước tự thực hiện. Công trình cầu Hàm Luông vừa được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đợt V.

Ứng dụng công nghệ mới

Cầu Hàm Luông trên Quốc Lộ 60 thuộc tỉnh Bến Tre được khánh thánh vào ngày 20/4/2010. Công trình góp phần khẳng định tính đúng đắn của chủ trương kĩ thuật, độ tin cậy của giải pháp thiết kế, tính mỹ quan của một công trình có quy mô lớn cho công trình cầu.

Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc quản lý dự án, Ban Quản lý dự án 7 - Bộ Giao thông vận tải, là một trong những tác giả tham gia xây dựng công trình này cho biết: Có thể nói công trình đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới tiêu biểu như lựa chọn giải pháp hợp lý cho sơ đồ cầu, các kết cấu nhịp dầm, đặc biệt là nhịp đúc hẫng cân bằng 150m và trụ cầu, góp phần hạ giá thành và giảm thời gian xây dựng, đảm bảo kiểm soát chất lượng công trình. Công trình cầu Hàm Luông đã ứng dụng công nghệ cáp dự ứng ngoài mới nhất để giảm tĩnh tải bản thân dầm, tiết kiệm vật liệu thi công, tạo sơ đồ chịu lực phù hợp cho kết cấu nhịp, tạo khả năng tăng cường công trình để có thể đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai.

“Chúng tôi cũng đã kiểm soát độ vồng cầu bằng hệ thống quan trắc, kiểm tra tính toán theo thực tế và xây dựng quy trình công nghệ thi công dầm liên tục đúc hẫng cân bằng nhịp 150m và hệ thống quản lý chất lượng công trình. Những đề xuất biện pháp kiểm soát chất lượng thi công nêu trên cho phép sử dụng hợp lý thiết bị sẵn có của nhà thầu trong nước và khai thác có hiệu quả những kinh nghiệm thi công các công trình tương tự”, ông Nguyễn Thái Hà cho hay.

Đặc biệt, công trình đã thiết lập kỷ lục mới ở Việt Nam về khẩu độ nhịp dầm hộp đúc hẫng, từ đó khẳng định một lần nữa khả năng làm chủ về mặt quản lý, thiết kế, công nghệ thi công của các đơn vị trong nước. Ngoài ra, công trình đã sử dụng hệ thống tản nhiệt trong bê tông khối lớn, khống chế nhiệt độ thi công đã đảm bảo chất lượng thi công bê tông; áp dụng vữa bơm chân cọc làm tăng đáng kể khả năng chịu lực cho cọc khoan nhồi.

Đem lại hiệu quả kinh tế cao

Cầu Hàm Luông đã giải quyết triệt để ách tắc giao thông tại khu vực phà Hàm Luông, đảm bảo cho giao thông thông suốt, đồng bộ với quy hoạch cải tạo nâng cấp Quốc lộ 60. Cầu Hàm Luông cùng với Quốc lộ 60, kết hợp với mạng đường giao thông tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa Quốc lộ 60, Quốc lộ 57, với Quốc lộ 1, đồng thời tạo nên sự nối kết lưu thông thuận tiện giữa các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh với nhau và với TP.Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, khi cầu Cồ Chiên được xây dựng sẽ tạo nên một tuyến thứ hai từ đồng bằng sông Cửu Long về TP.Hồ Chí Minh ngắn hơn 40km, sẽ khắc phục sự đơn tuyến của Quốc lộ 1A hiện nay.

Sau khi cầu Hàm Luông được đưa vào khai thác, Bến Tre từ một tỉnh thuần nông xuất phát điểm thấp, đến nay cơ cấu kinh tế của tỉnh đã bắt đầu chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm từ gần 45% năm 2011 xuống còn 38% năm 2015, tỷ trọng công nghiệp tăng từ 14% lên khoảng 18%, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 34,5 triệu đồng tăng gấp 1,66 lần so với năm 2010.

Các kỹ sư thuộc Ban Quản lý Dự án số 7 trao đổi về mô hình thiết kế công trình Cầu Hàm Luông

Ông Nguyễn Thái Hà cho biết thêm, trên cơ sở kinh nghiệm thiết kế và kiểm soát chất lượng trong quá trình thi công cầu Hàm Luông, một số công trình lớn được áp dụng đã thi công xây dựng như: cầu Cửa Đại ở tỉnh Quảng Nam, cầu Cổ Chiên nối Bến Tre và Trà Vinh. Ngoài ra, tiếp tục áp dụng cho công trình cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh với Sóc Trăng . Công nghệ này do đội ngũ, kỹ sư đơn vị trong nước thực hiện, sử dụng nguyên vật liệu cơ bản là nội địa.

Bên cạnh đó, những người thực hiện công trình đã tính toán xây dựng cầu hợp lý, tiết kiệm, thuận lợi cho lưu thông, lựa chọn phương pháp đúc hẫng cân bằng trong thiết kế, xây dựng cầu Hàm Luông. So với các phương án thiết kế cầu dạng kết cấu dây văng, dây võng, phương án thiết kế cầu đúc hẫng cân bằng tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều.

Cây cầu này sau khi xây dựng bảo đảm được chất lượng, cũng như mỹ quan, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội cho khu vực. Trước đây, để đi qua phà Hàm Luông, thời gian mất từ 30 phút đến cả tiếng đồng hồ, nay chỉ mất vài phút chạy qua cầu là qua sông, tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc cho nhân dân.

Công trình cầu Hàm Luông đã được Bộ Xây dựng trao danh hiệu cúp vàng chất lượng cao năm 2010 và đây là công trình tiêu biểu chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh – Ánh Tuyết


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner