Chính sách KH&CN Thứ ba, 14/05/2024 , 12:11 pm
Cập nhật : 07/11/2021 , 17:11(GMT +7)
Cần đặt mục tiêu gọi vốn hàng tỷ USD cho một startup đổi mới sáng tạo
Ông Lê Viết Hải với vai trò là Giám khảo cuộc thi Startup Wheel 2021
Ông Lê Viết Hải cho rằng, chúng ta cần đặt mục tiêu gọi vốn hàng tỷ đô la cho một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thay vì chỉ hài lòng với con số vài chục ngàn đô la Mỹ như hiện nay.

Chia sẻ tại đêm chung kết Startup Wheel 2021 trong vai trò Giám khảo của cuộc thi, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của giới trẻ Việt, ông cho rằng thế hệ trẻ có thể làm nên được các kỳ tích ĐMST trong tương lai nếu có sự đầu tư, quan tâm đúng ngay từ đầu và được trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cùng hệ sinh thái tương tác, kết nối cộng hưởng từ nhiều phía.

Ông Hải cho biết, ông quan tâm đến ĐMST và hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi ông nhận thức nhận thức rất rõ chỉ có đổi mới sáng tạo mới giúp đất nước bứt phá. Ông cho rằng, thực tế Việt Nam có năng lực và tiềm năng ĐMST.

“Mặc dù chúng ta đi sau về khoa học công nghệ so với nhiều quốc gia khác trong khu vực do ảnh hưởng của chiến tranh, cấm vận... Và chúng ta chỉ có khoảng 25 năm để phát triển nhưng đã có tốc độ đổi mới nhanh chóng, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một nước có thu nhập tuy hiện chỉ ở mức trung bình thấp nhưng đó là một tiến bộ vượt bậc, là thành quả rất đáng khích lệ”, ông Hải chia sẻ.

Nói về tương lai của ngành xây dựng Việt Nam, cũng như vị trí của các startup công nghệ ứng dụng trong ngành xây dựng với hệ sinh thái của ngành, ông Hải cho biết, ngành xây dựng của Việt Nam hiện nay đã học hỏi được công nghệ của thế giới. Chúng ta có trình độ về công nghệ kỹ thuật không thua kém. Trong một số lĩnh vực về các loại hình xây dựng, Việt Nam có sự phát triển công nghệ ngang ngửa với các nước phát triển.

“Hiện nay, chúng ta có lợi thế là nguồn  cung ứng vật liệu sản xuất, vật liệu xây dựng và các dịch vụ liên quan đến ngành xây dựng rất cạnh tranh, giá thành thấp hơn thế giới rất nhiều. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh đó không bền vững. Quan trọng nhất là chúng ta phải có năng lực sáng tạo, đưa ra các giải pháp công nghệ mới hơn. Để có thể xuất khẩu công nghệ xây dựng ra nước ngoài,  chúng ta buộc phải có những lợi thế cạnh tranh nhất định, đặc biệt trong công nghệ”, ông Hải nhận định.

Theo ông Hải, để làm được những điều này, đòi hỏi phải có cơ sở vật chất kỹ thuật để nghiên cứu và thử nghiệm thì mới có thể bứt phá được trong tương lai, đưa xây dựng trở thành một ngành công nghiệp mạnh của Việt Nam và là một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Vị Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho rằng, các startup Việt Nam hiện nay cần phải khắc phục được các điểm yếu. Thay vì loay hoay học hỏi quy trình, quản lý, vận hành mà người khác đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công, các startup nên đầu tư tìm tòi và nghiên cứu những giải pháp mới, sáng tạo những ý tưởng chưa ai làm hoặc đáp ứng nhu cầu của hàng tỷ người trên thế giới, thay vì chỉ dừng lại ở những  giải pháp mang tính địa phương hóa hay chỉ phục vụ trong nước như hiện nay.

“Bằng cách làm đó, chúng ta có khi cần cùng nhau đặt mục tiêu gọi vốn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hàm lượng nghiên cứu cao, thay vì chỉ hài lòng với con số vài chục ngàn đô la Mỹ như hiện nay”.

Liên quan đến kế hoạch đầu tư vào các startup lĩnh vực công nghệ, ông Hải cho rằng, tuy ngành xây dựng có lợi nhuận không cao nhưng với mong muốn đưa khoa học công nghệ Việt chinh phục thế giới, Hòa Bình dự kiến sẽ đầu tư vào hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam, giúp đỡ, ươm tạo các nghiên cứu, các startup ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam. Hoạt động này sẽ được thực hiện thông qua Trung tâm đổi mới sáng tạo Hoà Binh (HBIC).

Trong giai đoạn đầu, dự kiến 2021 - 2024, Trung tâm này sẽ tập trung đầu tư chính vào các công ty đổi mới sáng tạo  trong hệ sinh thái ngành xây dựng và tất cả các ngành có liên quan nhằm tạo nên năng lực cạnh tranh bền vững cho ngành xây dựng Việt như: vật liệu xây dựng, tự động hóa, cơ khí chế tác, công nghệ thông tin, y sinh..Song song đó là việc từng bước đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ đổi mới sáng tạo.

“Chúng tôi hiểu để đầu tư hiệu quả vào hệ sinh thái ĐMST, đội ngũ nhân sự, cụ thể là các chuyên gia có sự am hiểu thị trường trong nước và quốc tế, có uy tín và từng có kinh nghiệm xây dựng lẫn vận hành thành công hệ sinh thái ĐMST là quan trọng nhất. Do vậy, HBIC đang được hỗ trợ về mặt chiến lược và triển khai cùng với Công ty IBP, nơi tập trung và xây dựng được mạng lưới những chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong ĐMST trong nước và quốc tế, cộng đồng nhà nghiên cứu và cả mạng lưới các nhà kinh doanh. Với sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia IBP, trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo của Hoà Bình sẽ bắt đầu từ hoạt động ươm tạo, kết nối nguồn lực đầu tư, chuyên gia, cố vấn và doanh nhân giúp các công ty khởi nghiệp tăng trưởng hiệu quả hơn”, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ thêm.

Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner