Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ sáu, 02/05/2025 , 12:29 pm
Cập nhật : 07/11/2012 , 10:11(GMT +7)
"Tiền khoa học bị mượn cho mục tiêu khác"
"Tiền rót về địa phương đến 50% sử dụng sai mục đích. Lấy được đồng tiền đầu tiên thì đề tài đã mất tính thời sự vì khoảng thời gian từ khi đề xuất đến khi tiền về là cả năm trời...". Đó là một trong những ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Quang Thái khi trò chuyện với phóng viên về bất cập trong chi tiêu của KH&CN nước ta.

Tiền khoa học bị mượn cho mục tiêu khác

Ông đánh giá thế nào về mục tiêu đến năm 2020, KH&CN Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại ở ASEAN và thế giới?

Tôi cho là quá chung chung, mơ hồ.

Ông có thể chứng minh?

Vì mục tiêu không cụ thể là đầu tư vào những lĩnh vực nào trong khi tiền có hạn. Hiện chi các loại cho KH&CN chiếm khoảng 2% ngân sách Nhà nước, không thấp so với bình quân chung thế giới. Song, có 3 vấn đề cần được mổ xẻ ở đây.

 
Thứ nhất là kinh tế của ta còn chưa phát triển mạnh nên ngân sách dù là 2% cũng không nhiều. Thứ hai, 2% này mới là trong tổng dự toán. Thực tế, số vốn này chỉ được dùng một phần cho KH&CN, còn phần khác, nhất là ở các địa phương lại "bị" mượn tạm cho các mục tiêu khác. Thứ 3, trong tổng vốn chi cho KH&CN thì ngân sách Nhà nước chỉ nên được coi là vốn mồi, để khơi dậy các nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, các tổ chức... trong và ngoài nước. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta đang đi ngược...

Sao ông lại nói là đi ngược?

Ở nước ngoài, vốn từ ngân sách Nhà nước cho khoa học chỉ chiếm khoảng 1/3. Ở Việt Nam con số này là 2/3. Vì thế, tính tổng lại thì so với bình quân đầu người, chi cho KH&CN ở nước ta mới đạt chưa tới 10USD, bằng khoảng 0,5 - 0,6% GDP rất thấp so với bình quân của thế giới, trong khi trên thế giới, GDP cao hơn mà tỷ lệ dành cho KH&CN cũng cao hơn. Hơn thế, KH&CN ở nước ta không chỉ có nguồn lực ít, mà việc sử dụng nguồn lực này cũng còn quá nhiều bất hợp lý.

Chi sai khá phổ biến

Ông có thể chỉ ra những bất hợp lý đó?

Đơn cử như việc phân bổ ngân sách cho KH&CN quá chậm. KH&CN là hoạt động đặc thù, cần hỗ trợ tiến hành ngay các ý đồ khoa học đã chín. Nhưng việc xây dựng và thực hiện kế hoạch KH&CN lại triển khai như xây dựng kế hoạch cơ bản. Hiện tất cả đề tài phải qua thuyết minh, có dự toán, được phê duyệt mới được cấp kinh phí. Đúng tiến độ thường 7 - 8 tháng sau mới có tiền. Tiến độ này dẫn đến thực tế là khi nhận được vốn thì đề tài đó có khi đã mất tính thời sự, bị giảm tổng chi phí do lạm phát. Nếu đề tài nào mà kéo dài 2 - 3 năm thì còn phức tạp hơn vì được cung cấp kinh phí "đứt đoạn". Đấy là chưa kể tới việc kinh phí dành cho KH&CN bị chi sai mục đích.

Thực tế việc chi sai mục đích được biểu hiện ra như thế nào?

Đầu tư KH&CN hiện nay được phân theo 2 hai khu vực trung ương và địa phương. Ở trung ương, chỉ có chuyện làm đề tài xong rồi, nhưng ứng dụng được còn khó khăn, chứ không xảy ra chuyện chi tiền sai mục đích. Nhưng ở địa phương, không ít nơi đã điều chuyển kinh phí cho KH&CN để giải quyết những mục tiêu khác được cho là cấp bách hơn. Mà hiện tượng này diễn ra khá phổ biến.

Theo ông biết thì ở địa phương mục tiêu nào được coi là cấp bách hơn KH&CN?

Chủ yếu là cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Thật ra, đầu tư hạ tầng cũng rất cần thiết. Nhưng rõ ràng tiền đầu tư cho khoa học đã không được sử dụng đúng mục đích để tăng cường tiềm lực lâu dài... Nhưng sửa được điều này rất khó.

Vì sao lại khó?

Khó ở chỗ tiền về địa phương là do địa phương quyết định. Bộ KH&CN không can thiệp được. Thật đáng buồn là Bộ KH&CN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội về 2% ngân sách chi cho KH&CN song chỉ quản lý được khoảng 12% số tiền này. 88% còn lại không kiểm soát được do được cấp cho các bộ, ngành hoặc địa phương. Vì thế, Bộ KH&CN rất khó kiểm soát chính xác hiệu quả nguồn vốn đầu tư đến đâu.


GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

 


Tiền thôi chưa đủ

Với những bất cập mà ông vừa chỉ ra, theo ông phải làm gì?

Tôi cho rằng, không thể đòi hỏi thêm từ ngân sách được nữa. Muốn có tiền thì phải khuyến khích mạnh mẽ các nguồn vốn khác, nhất là từ doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, dù trong hay ngoài nước và cả Việt kiều.

Nhưng lâu nay người ta vẫn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN đấy chứ?

Đúng. Luật đã quy định các doanh nghiệp được trích 10% thu nhập trước thuế để tập trung phát triển KH&CN. Nhưng tiếc là chúng ta chưa có chế tài cũng như cơ chế khuyến khích/bắt buộc doanh nghiệp phải làm. Vì thế khó huy động được nguồn vốn của doanh nghiệp. Hơn nữa, luật lại quy định doanh nghiệp không được phép đầu tư quá 10% cho KH&CN. Lý do của quy định này xuất phát từ mối lo doanh nghiệp lợi dụng KH&CN để chi tiền vào những mục đích khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta minh bạch và công khai thì khó gì trong việc thanh kiểm tra.

Tôi cho rằng, quy định không vượt khung 10% là rất dở. Đầu tư cho KH&CN là tái đầu tư thì nên nhiều càng tốt, không ngại. Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên số vốn lấy từ 10% lợi nhuận trước thuế cũng nhỏ bé, cần khuyến khích thêm.

Có chất xám ắt có tiền

Ngoài chuyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, theo ông cần làm gì nữa?

Kiên quyết xóa bỏ cách phân bổ kinh phí theo kiểu phân chia bình quân. Chỉ nên cấp kinh phí cho những đơn vị thực sự có khả năng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Cũng nên có cơ chế thưởng phạt. Ví dụ, nghiên cứu mà không triển khai được sản phẩm ra thực tế thì cũng nên bị phạt. Ngoài ra, cần có sự tôn trọng đối với những người làm khoa học và các đề xuất của họ.

Ý ông là người làm khoa học ở nước ta chưa được tôn trọng?

Không ít trường hợp khi bị bắt buộc phải lấy ý kiến phản biện, chủ đầu tư lại lách luật bằng cách yêu cầu nhà khoa học làm gấp trong vòng mấy ngày, như vậy khác gì thách đố. Trường hợp khác họ gửi nhưng lại yêu cầu chúng tôi không được phổ biến rộng. Khoa học như vậy thì đâu còn công khai và minh bạch nữa để có ý kiến đa chiều. Tôi biết rất nhiều người làm khoa học vì cái tâm chứ không màng tới chuyện tiền bạc.

Nhưng không có tiền thì khó mà làm khoa học?

Khi làm ra sản phẩm có chất lượng ắt sẽ bán được, dù ban đầu có khó khăn. Bán được thì ắt sẽ có tiền.

Nhưng hiện nay có nhiều trường hợp nhà khoa học chỉ ngồi vẽ đề tài, dự án để lấy tiền của nhà nước?

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Mỗi nhà khoa học cũng phải tự vấn lương tâm. Trường hợp như chị nói là có, nhưng tôi tin đó là số ít. Mỗi nhà khoa học cần phải nâng cao ý thức và tôn trọng đồng tiền mà nhà nước cấp cho, bởi đấy là đồng tiền từ đóng thuế của nhân dân và đóng góp của cả quốc gia. Cái tốt sẽ lấn át cái chưa tốt, cái xấu.

Xin chân thành cảm ơn ông đã chia sẻ. Chúc ông sức khoẻ và chúc cho nền khoa học nước nhà sớm được như ông mong muốn.

Box:
Ở nước ngoài, ngân sách bỏ ra 1 đồng, còn đâu thu hút ở bên ngoài được 3 - 5 đồng, thậm chí nhiều hơn. Ở Việt Nam, theo thống kê có được, ngân sách bỏ 2 đồng mới huy động được 1 đồng từ ngoài ngân sách, cả từ nguồn trong và ngoài nước.

 

 

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner