Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Sở hữu trí tuệ Thứ sáu, 02/05/2025 , 06:03 pm
Cập nhật : 09/11/2011 , 20:11(GMT +7)
Thương hiệu nông sản chỉ có giá khi phát huy lợi ích
Vải Thanh Hà đang bị nhái tại nhiều nơi (ảnh internet)
Trong những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nói nhiều đến các thương hiệu nông sản nổi tiếng của chúng ta (cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc). Bảo vệ thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam đang trở thành câu chuyện nóng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, thương hiệu chỉ là một phần giá trị hàng hóa, việc phát huy và để thương hiệu đem lại lợi ích thực sự, không chỉ có đăng ký bảo hộ là xong.

Nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và của những người sản xuất trực tiếp đã được đưa ra tại hội thảo: “Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam” do Liên hiệp hội các Hội KH&KT Việt Nam (Vusta), CLB báo chí Vusta và CLB nhà báo KH&CN tổ chức ngày 8/11. Xin trích đăng một số ý kiến đóng góp tại hội thảo.

TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam

Cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng

Sản lượng nông sản Việt Nam tuy lớn nhưng lại gặp khó khăn khi tiếp cận đến người tiêu dùng nước ngoài và thậm chí cả người trong nước. Dường như không mấy ai quan tâm rằng thương hiệu nông sản Việt Nam lại đang bị “tấn công” mãnh liệt ngay khi chưa được hình thành. Sự tấn công này nguy hiểm cho nhiều đối tượng, như nông sản và người tiêu dùng nông sản.

Đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc mất thương hiệu như gần đây nhất là vụ thương hiệu caphe Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc….

Để bảo vệ thương hiệu nông sản, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cần nâng cao truyền thông cho người dân và cả cấp quản lý để xã hội hiểu hơn về vai trò, tác dụng của việc đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý… Thời gian tới, Vusta cũng sẽ nghiên cứu phương án thành lập Văn phòng tư vấn bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá.



Ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, huyện Hải Dương

Có thương hiệu rồi nhưng để đem lại lợi ích thực sự còn nhiều khó khăn

Chỉ dẫn địa lý “'Thanh Hà'' thực sự đem lại giá trị tài sản cho quả vải Thanh Hà, xong để thương hiệu Thanh Hà đem lại lợi ích thực sự còn rất nhiều cái khó. Cái khó đầu tiên phải kể đến đó là ý thức của người dân. Hiện tại, mặc dù đã hình thành Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, nhưng cũng ít được người dân quan tâm. Do vậy mặc dù thành lập được gần 4 năm đến nay mới có 350 hội viên và quản lý 49 ha vải trên hơn 5000ha vải thiều của huyện; các hoạt động quảng bá tuyên truyền cho thương hiệu này hầu như của các cấp các ngành trong tỉnh và một số tổ chức nước ngoài tài trợ; thậm chí khi Nhãn hiệu, lô gô gắn liền với chỉ dẫn địa lý Thanh Hà là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết phân biệt đã được bảo hộ nhưng chính những thành viên trong hiệp hội không phải ai cũng gắn lên sản phẩm để cho người tiêu thụ nhận biết.

Cái khó nữa phải kể đến đó là việc tạo lập ngành hàng tiêu thụ vải thiều Thanh Hà không ổn định, với thời vụ thu hoạch rất ngắn lại đúng vào mùa thu hoạch của rất nhiều loại trái cây nên việc tiêu thụ đã khó lại càng khó thêm. Thêm nữa, tình trạng người dân thu hoạch sớm chạy theo giá rất phổ biến dẫn đến việc quả vải chưa chín kỹ, ảnh hưởng đến chất lượng của vải.

Để khắc phục những hạn chế này, huyện sẽ thực hiện một số biện pháp như: thứ nhất sẽ giữ vững diện tích vải thiều hiện có, trên cơ sở cải tạo một số vùng chất lượng không tốt. Thứ hai là nâng cao chất lượng vải thiều, đây là chiến lược lâu dài của cây vải thiều. Dần dần chọn lọc những giống vải thiều tốt phù hợp với thổ nhưỡng, thời vụ và có tính giá trị cao. Tại Thanh Hà hiện nay, trước khi bước vào vải thiều chính vụ khoảng 1 tháng là mùa vải sớm. Loại vải sớm này tuy sản lượng không cao, nhưng rất được giá. Với mức giá trung bình thời điểm đầu vụ có thể lên tới 30.000đ/kg, nếu đầu tư thêm vào cây vải sớm như thế này, sẽ đạt được lợi ích rất cao. Việc chọn nhiều giống vải mới, dãn cách và kéo dài khoảng thời gian thu hoạch, vừa nâng cao giá trị của quả vải, lại tránh được tình trạng bị ép giá khi vải chín rộ. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho quả vải cũng phải đẩy mạnh, vì thực tế người dân vùng vải còn rất đói kiến thức về chỉ dẫn địa lý.

Toàn cảnh tọa đàm "Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản" được tổ chức ngày 8/11

TS Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN)

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam không có nghĩa là được bảo hộ ở nước ngoài

Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của mình ở Việt Nam chỉ có nghĩa là doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó ở Việt Nam (theo nguyên tắc bảo hộ theo lãnh thổ) và trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó chứ không đương nhiên là chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó ở nước ngoài. Chúng ta không đăng ký ở một nước đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý của chúng ta có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp nước họ. Họ có thể trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, có độc quyền sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký, có quyền cấm các doanh nghiệp khác (kể cả doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam) sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm đã được đăng ký.

Thứ hai, cứ cho là nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của chúng ta “bị mất’ do bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thành nhãn hiệu của họ thì quan ngại về việc liệu chúng ta có “lấy lại” được không và nếu có thể được thì bằng cách nào là điều cần bàn đến.
Đối với thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, mới đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm này. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu thực chất chưa làm được nhiều. Để xây dựng thương hiệu cho nông sản, điều đầu tiên là phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản đó. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ chỉ là cơ sở, là điều kiện ban đầu để thương hiệu nông sản được xây dựng và phát triển thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh thương mại sản phẩm, thị trường …
Thương hiệu không chỉ đơn giản là một nhãn hiệu, một chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ. Thương hiệu phải được hiểu rộng hơn thế.



Ông Đỗ Gian Phan, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam

Chất lượng kém thì thương hiệu đó cũng chẳng để làm gì

Thương hiệu được xây dựng trên nhiều yếu tố như chất lượng, chăm sóc người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh... Có rất nhiều thương hiệu khi nhắc đến người ta nghĩ đến sản phẩm như Coca Cola, Honda... Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu đã quan trọng nhưng làm sao mà giữ được thương hiệu, tạo uy tín để nó phát huy giá trị mới là điều quan trọng.

Một thương hiệu được đầu tư rất nhiều tiền bạc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sau đó làm ăn gian dối, chất lượng kém thì thương hiệu đó cũng chẳng để làm gì. Vấn đề ở đây là thương hiệu sống trong lòng người tiêu dùng.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường tuyên truyền về SHTT cho người nông dân, những người có liên quan, từ đó biến thành hành động. Tuy nhiên, truyền thông cần phải có chọn lọc để gây lòng tin cho người tiêu dùng. Bài học thông tin vải Lục Ngạn nên đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất cho người nông dân.



TS Phạm Văn Tân, Phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam

Thương hiệu đang mang lại lợi ích cho nhiều người

Phải thừa nhận rằng, thương hiệu các nông sản nổi tiếng của Việt Nam đang là tài sản được nhiều đối tượng khai thác triệt để và mang lại tiền bạc cho không ít người. Tôi rất ngạc nhiên khi sang Đông Quảng Đông, vải ở đây trồng bạt ngàn, nhiều không kém những vùng trồng vải của Việt Nam. Song, ngạc nhiên hơn, vải dù được trồng ở Trung Quốc nhưng vẫn được bán dưới thương hiệu Thanh Hà hay Lục Ngạn... Điều này cho thấy, thương hiệu nông sản nổi tiếng gắn với vùng địa lý đang ngày càng có giá. Chính vì thế, nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ thương hiệu thì nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế của dân là rất lớn.



Nghiêm Quốc Bảo, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam

Tài sản trí tuệ chỉ phát huy khi thực sự nhận thức được giá trị của nó

Mỗi năm Cục Sở hữu trí tuệ cấp hàng hàng nghìn chứng nhận. Câu hỏi đặt ra ở đây, chúng ta đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý để làm gì nếu không phát triển được? Nhìn bản chất của sở hữu trí tuệ là  đi sau so với thị trường. Hiện còn rất nhiều thương hiệu nổi tiếng nhưng chưa đăng ký thương hiệu, điều này là rất đáng tiếc.

Minh Châu (Thực hiện)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner