Luật KH-CN (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII. PV Báo ĐBND đã ghi lại nhiều ý kiến của ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học... góp ý về một số nội dung được sửa đổi trong dự thảo Luật lần này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Đổi mới cơ chế tài chính cần được khẳng định ngay trong Luật KH-CN (sửa đổi)
Dự án Luật KH-CN (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, có nhiều nội dung mới phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển KHCN. Đặc biệt đã khắc phục căn bản một số hạn chế, vướng mắc như về tài chính, về thẩm quyền xác định nhiệm vụ KHCN của Nhà nước 5 năm và hằng năm...
Về cơ chế tài chính hiện hành trong hoạt động KHCN còn nặng tính bao cấp, không phù hợp với đặc thù và không đáp ứng yêu cầu tiến độ của hoạt động KHCN, không tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về KHCN bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn kinh phí của Nhà nước cấp cho KHCN. Vì vậy, việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN là rất cần thiết và cần phải khẳng định cơ chế đổi mới này ngay trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật KH-CN (sửa đổi).
Về thẩm quyền xác định nhiệm vụ KHCN cụ thể của Nhà nước từng giai đoạn và hằng năm của Luật hiện hành không tạo điều kiện cho sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của Bộ KH-CN, của các bộ, ngành và địa phương trong xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN, thủ tục rườm rà, thời gian kéo quá dài... Vì vậy, trong dự thảo Luật KH-CN (sửa đổi) nên giao cho Bộ KH-CN căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn và hằng năm và chiến lược phát triển KHCN quốc gia để xác định nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước 5 năm và hằng năm; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp căn cứ vào chiến lược phát triển KHCN quốc gia và các nhiệm vụ KHCN cụ thể của Nhà nước từng giai đoạn và hằng năm để xác định nhiệm vụ KHCN phục vụ mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương.
ĐBQH Cù Thị Hậu (Hưng Yên): Nên áp dụng chính sách khoán đề tài
Tôi tán thành việc thành lập quỹ phát triển KHCN ở doanh nghiệp - tức là trích tỷ lệ thích hợp, lợi nhuận trước thuế cho hoạt động KHCN để từ đó mỗi doanh nghiệp căn cứ vào đó tạo ra một nguồn quỹ nghiên cứu KHCN riêng, nghiên cứu ứng dụng ở từng nơi một. Cần có quỹ phát triển KHCN ở doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh.
Tôi cũng thống nhất là nên áp dụng chính sách khoán đề tài và gắn trách nhiệm cho nhữäng người chủ các công trình đó, nghiệm thu bằng sản phẩm cuối cùng là các đề tài nghiên cứu khoa học khi bắt đầu có kết quả. Như vậy hiệu quả hơn chứ còn tình trạng như hiện nay, tôi cứ có cảm giác, đề tài nghiên cứu thì nhiều nhưng ứng dụng thì không được bao nhiêu.
ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội): Đổi mới tư duy từ quản lý, tạo môi trường cho hoạt động khoa học
Bất cứ một quốc gia nào, khi muốn có kinh tế phát triển bền vững thì chắc chắn phải dựa vào KHCN. Luật KH-CN đã được ban hành 12 năm, tuy nhiên qua thực tiễn thấy có nhiều bất cập. KHCN không thể hiện được vai trò then chốt, chưa là động lực thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế bền vững. Luật KH-CN (sửa đổi) lần này chính là khắc phục những bất cập trong Luật KH-CN năm 2000 nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước với tốc độ nhanh, trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu; đúng như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 - Khóa XI về KHCN.
Để KHCN thực sự là quốc sách hàng đầu, tôi cho rằng quan trọng nhất hiện nay là phải đổi mới tư duy từ quản lý, điều hành đến thay đổi các cơ chế… tạo môi trường cho hoạt động khoa học. Tăng đầu tư cho khoa học xã hội, nhân văn, đặt chúng ở đúng vị trí của nó. KHCN luôn phải đi trước một bước nghiên cứu các quy luật kinh tế từ đó áp dụng, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đi tắt đón đầu những công nghệ hiện đại (viễn thông, công nghệ gene…) từ nguồn do các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam phải được đặt ra, nhất là phải có cơ chế thu hút, rồi phải chuẩn bị để đón nhận và tiếp nhận cũng như để làm chủ được nó. Cùng với đó là phải thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cho KHCN; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho KHCN; tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc để thu hút, phát huy sáng tạo của các nhà khoa học.
ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông): Mức đầu tư 2% là chưa tương xứng với vai trò quốc sách hàng đầu của KHCN
Dự thảo Luật đã quy định mức đầu tư tối thiểu là 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho KHCN (bao gồm ngân sách sự nghiệp khoa học và ngân sách đầu tư phát triển) với lý giải rằng tỷ lệ này là hợp lý trong điều kiện hiện nay. Tôi cho rằng: mức đầu tư 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm là thấp, chưa tương xứng với vai trò quốc sách hàng đầu của sự phát triển KHCN, không đáp ứng yêu cầu KHCN là động lực then chốt cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Dù việc so sánh là khập khiễng, nhưng có thể lấy con số sau để tham khảo: mức đầu tư cho giáo dục ở nước ta khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm, như vậy mức đầu tư 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho KHCN rõ ràng là thấp hơn.
Dự thảo Luật có các quy định về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng trọng dụng nhân lực, nhân tài về KHCN. Nhưng ở dự thảo Luật, các quy định trên chỉ dừng lại ở hình thức “tuyên bố chính sách” như: khuyến khích, có chính sách… mà chưa có các quy định cụ thể để thực hiện các chính sách này. Như vậy ở các điều này cũng chưa thể hiện vai trò quốc sách hàng đầu của KHCN.
Ở đây tôi xin sơ bộ đề xuất một số biện pháp (trong các biện pháp có thể) như sau: tăng mức đầu tư cho KHCN tương xứng với vai trò quốc sách hàng đầu; thành lập một cơ quan dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc một Phó thủ tướng chuyên trách việc nghiên cứu và phát triển KHCN theo hướng CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, đề xuất các đề tài KHCN mang tính đột phá, cơ quan này trực tiếp thực hiện hoặc gián tiếp chỉ đạo việc thực hiện các đề tài trên. Những người làm việc ở cơ quan này là các nhà khoa học, các cá nhân trong và ngoài nước (được mời tham gia, được thu hút hoặc được thuê…) có tài năng thực sự, có tâm huyết thực sự, được trọng dụng thực sự, được đãi ngộ xứng đáng với cống hiến. Việc thực hiện đề tài phải chấp nhận việc mạo hiểm, chấp nhận không thành công (dĩ nhiên là có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ) - như vậy mới có thể đột phá trong việc phát triển KHCN. Và với chính sách như vậy thì việc phải tăng mức đầu tư là chắc chắn, theo đó chắc chắn sẽ tạo bước đột phá trong phát triển KHCN...
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc): Để đầu tư cho KHCN đạt hiệu quả cao
Khoa học công nghệ là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, cụ thể là nghị quyết TƯ 6 và nhiều văn kiện cũng quan tâm tới KHCN. Chính vì vậy tôi thấy Luật KH-CN (sửa đổi) lần này đã đưa ra một số điều đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết và đây là Luật quan trọng nhất trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Liên quan đến đầu tư cho KHCN thì Quốc hội đã thống nhất từ năm 2000 là 2% trên tổng ngân sách. Theo quan điểm của tôi thì là quá nhiều so với ngân sách nhưng quá ít cho KHCN. Tuy nhiên, cần xem lại cách đầu tư cho KHCN để hoạt động này đạt hiệu quả cao. Thực tế, đầu tư cho KHCN còn dàn trải, chia đều cho các dự án, các đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính cho KHCN hiện nay mang nặng tính hành chính, bao cấp cho nên không phát huy được lao động sáng tạo. Tôi cho rằng trong Luật phải quy định lại, phải nghiên cứu tổ chức lại về công tác này.