Ba khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến.
Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện tốc độ tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện còn nhiều bất cập đang cản trở sự phát triển của KH&CN và cần có giải pháp tháo gỡ.
Đây cũng là những nội dung được các khách mời trao đổi tại buổi Giao lưu trực tuyến “KH&CN – Động lực, nền tảng phát triển đất nước” do Báo Đại biểu nhân dân, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN) phối hợp tổ chức trên báo điện tử Đại biểu nhân dân, ngày 6.11.2012.
KH&CN luôn đồng hành cùng quá trình xây dựng, phát triển đất nước
Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, thời gian qua “KH&CN nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và có bước phát triển đáng tự hào”. KH&CN luôn đồng hành và có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc cũng như xây dựng, phát triển đất nước.
Ở góc độ quản lý KH&CN có thể nói, từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII (năm 1996), đặc biệt khoảng 10 năm gần đây, công tác quản lý KH&CN đã có những đổi mới sâu rộng, đạt các kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật về KH&CN đã cơ bản hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành điều chỉnh thống nhất, đồng bộ, toàn diện các hoạt động KH&CN, tạo thuận lợi cho các chủ thể (nhà khoa học, doanh nhân, người quản lý) tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo.
Công tác quản lý KH&CN đã đổi mới từ cách nghĩ đến cách làm để hòa nhập với sự đổi mới chung về KT-XH, chú trọng hơn tính hiệu quả, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để hướng KH&CN phục vụ doanh nghiệp; thúc đẩy các tổ chức KH&CN hoạt động theo cơ chế tự chủ, phát triển doanh nghiệp KH&CN và thị trường công nghệ,...
Vì thế, các lĩnh vực KH&CN, gồm cả khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, KH&CN đều có nhiều đóng góp đáng trân trọng. Một số lĩnh vực đã tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện công suất lớn, giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam; lĩnh vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản ứng dụng các kết quả nghiên cứu và tiến bộ KH&CN đã đóng góp 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực này lên gần 20 tỷ USD/năm, đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, điều...; lĩnh vực y - dược đã thành công trong ghép tạng, nghiên cứu và bước đầu ứng dụng tế bào gốc; lĩnh vực giao thông - xây dựng đã làm chủ các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, chế tạo, giám sát, thi công, xây lắp các công trình giao thông, xây dựng có quy mô và trình độ công nghệ ngang tầm các nước trong khu vực như cầu treo, cầu dây văng nhịp lớn, công nghệ đúc hẫng cân bằng thi công cầu bê tông dự ứng lực khẩu độ lớn,...; lĩnh vực công nghệ cao đã có nhiều nhà khoa học trẻ thành công với việc làm chủ được công nghệ, tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và Môi trường (UBKH,CN&MT) của Quốc hội cho biết, chỉ tính trong lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng công nghệ cao trong công tác chọn giống đã cho ra giống cà phê 4-6 tấn/ha với chất lượng cao; việc đưa ra gần 70 giống lúa, trong đó có giống 6-8 tấn/ha đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu lúa gạo đứng thứ nhất, thứ hai thế giới. Trên thế giới cũng chưa từng có nước nào như Việt Nam nuôi cá tra 500-600 tấn/ha, với 6.000 ha và trung bình 250 tấn/ha, doanh thu 6 tỷ đồng/ha. Trong chăn nuôi chúng ta lai tạo giống lợn có tỷ lệ nạc cao 58-62%, bò sữa trên 7 tấn sữa/chu kỳ,… Và cả những tòa nhà 50 – 60 tầng, những nhà máy thủy điện rất lớn, đường hầm xuyên núi, khoan khai thác dầu lửa ở tầng đá móng,…
Những ví dụ nói trên, nếu ở thời điểm trước năm 2000 còn là mơ ước. Tuy còn khá nhiều hạn chế cần khắc phục, cần vươn lên mạnh mẽ nhưng có thể nói có được những thành tựu này là do chúng ta đã xác định vị trí quan trọng của KH&CN, là quốc sách hàng đầu và nền tảng để phát triển đất nước, ông Nguyễn Đăng Vang khẳng định.
Giải pháp để KH&CN “cất cánh”
16 năm qua, chúng ta đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách về phát triển KH&CN trong một hệ thống gồm 8 Luật về KH&CN Quốc hội đã thông qua. Để tạo sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về KH&CN, đảm bảo phù hợp với những đổi mới trong chính sách phát triển KH&CN, khắc phục những hạn chế trong tổ chức, cơ chế hoạt động KH&CN, Luật KH&CN đang được đề xuất sửa đổi và sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII. Luật KH&CN sửa đổi được cộng đồng khoa học kỳ vọng rất nhiều với những đổi mới được cho là sẽ tạo đà cho KH&CN có bước phát triển mới. Nội dung này cũng đã được các khách mời của buổi Giao lưu trực tuyến trao đổi, đưa ra giải pháp tháo gỡ những rào cản phát triển KH&CN.
Phó chủ nhiệm UBKH, CN&MT Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho rằng, Luật KH&CN sửa đổi cần tập trung chế định những vấn đề chung, cơ bản liên quan đến cơ chế hoạt động KH&CN bảo đảm đáp ứng yêu cầu mới của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) và hội nhập quốc tế như chế định hệ thống các tổ chức KH&CN; chế định quyền, trách nhiệm của cá nhân hoạt động KH&CN, các cơ chế, chính sách phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhân tài KH&CN; quy định rõ hơn cơ chế tài chính, phương thức đầu tư cho hoạt động KH&CN theo hướng huy động các nguồn lực xã hội; đổi mới cơ chế cấp tài chính và đầu tư ngân sách nhà nước phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN;…
Dự án Luật KH&CN sửa đổi đưa ra một số quy định liên quan đến cơ chế tài chính cho KH&CN, trong đó có quy định về các quỹ KH&CN sử dụng nguồn vốn ngân sách; cơ chế điều hòa ngân sách giữa địa phương và Trung ương căn cứ vào năng lực, hiệu quả thực hiện. Những quy định này liên quan trực tiếp đến Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Khi Luật KH&CN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, cần xem xét, sửa đổi các quy định này để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Một trong những giải pháp rất quan trọng nữa các khách mời đưa ra là cần thay đổi nhận thức, tư duy về KH&CN. Theo ông Lê Bộ Lĩnh, từ nhận thức chung KH&CN được coi là quốc sách hàng đầu đến thiết kế chính sách cụ thể vẫn còn một khoảng cách khá lớn. KH&CN không chỉ là một hoạt động văn hóa tinh thần, một hoạt động “thêm vào” các hoạt động khác mà phải nằm trong chính các hoạt động KT-XH và quản lý. Tài chính và ngân sách cho hoạt động KH&CN không phải bao giờ cũng bóc tách riêng để tính được hiệu quả trong một thời gian ngắn, do tác động của KH&CN vào phát triển KT-XH có độ trễ nhất định, hơn nữa, nhiều hoạt động KH&CN có độ mạo hiểm cao. Mặt khác, tư duy bao cấp còn ảnh hưởng khá nặng đến cơ chế tài chính và ngân sách cho hoạt động KH&CN.
Cùng với đó, doanh nghiệp được coi là trung tâm của đổi mới công nghệ và là nguồn cầu quan trọng nhất để đặt hàng và phát triển thị trường công nghệ. Nhận định này đã xuyên suốt những văn bản quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước và kỳ này được thể chế hóa thành những nhiệm vụ, giải pháp trong khuôn khổ dự án Luật KH&CN sửa đổi. Với tinh thần này, chắc chắn thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phát huy được vai trò của mình, đặc biệt trong ứng dụng, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh. Tuy nhiên với vai trò trung tâm, doanh nghiệp cần dành nhiều hơn sự quan tâm và đầu tư đến đổi mới công nghệ, coi đây là yếu tố sống còn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, sự phát triển của doanh nghiệp, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Để khuyến khích hoạt động lao động sáng tạo trong KH&CN ông Nguyễn Đăng Vang cho rằng, cần coi công tác sáng tạo, loại hình lao động đặc thù này là hàng hóa và phải đánh giá được chất lượng, giá thành của hàng hóa đó. Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích lao động sáng tạo, ví dụ về thuế thu nhập, cung cấp thông tin chuyên môn, vay vốn, có chính sách để những sáng tạo không bị đánh cắp, tạo môi trường để có thể kinh doanh sáng tạo,…
Chúng ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và chỉ còn 8 năm để hoàn thành mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như Đại hội Đảng XI đã đề ra. Nếu trình độ KH&CN của Việt Nam tiếp tục lạc hậu, nếu việc ứng dụng sáng tạo thành tựu KH&CN chưa trở thành yếu tố tăng trưởng và tăng năng suất quan trọng nhất thì mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 sẽ khó thực hiện được. Vì vậy, trong giai đoạn nước rút này, cần tập trung mọi nguồn lực để phát huy và phát triển KH&CN thành động lực quan trọng nhất trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh hiện nay, Nghị quyết “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI thông qua là một sự kiện đặc biệt quan trọng, như một luồng gió mới tạo niềm tin, sức sống mới cho hoạt động KH&CN và hứa hẹn mở ra giai đoạn phát triển đất nước một cách toàn diện, bền vững. Với trách nhiệm là cơ quan được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ chăm lo phát triển KH&CN, Bộ KH&CN sẽ nỗ lực thực hiện các định hướng đổi mới, nhiệm vụ Nghị quyết Trung ương 6 đề ra. Bộ KH&CN mong nhận được sự quan tâm, góp sức của lực lượng cán bộ KH&CN, các nhà quản lý, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đối với sự nghiệp phát triển KH&CN. (Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI, Thứ trưởng Bộ KH&CN). |
|