Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ sáu, 02/05/2025 , 12:36 pm
Cập nhật : 05/11/2012 , 08:11(GMT +7)
Cần thay đổi cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trả lời về vấn đề cơ chế tài chính cho nghiên cứu kh
Tối 4/11, trả lời các câu hỏi về vấn đề cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã thẳng thắn thừa nhận những khúc mắc trong cơ chế tài chính hiện nay cũng như đưa ra những hướng giải quyết để lĩnh vực Khoa học công nghệ sẽ hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới…

Có bột mới gột nên hồ, để Khoa học và Công nghệ là một quốc sách lâu dài cho quốc gia là cả một quá trình phát triển gian nan và cần có một sự đầu tư thích đáng. Một cơ chế tài chính dành riêng cho lĩnh vực khoa học công nghệ của quốc gia có lẽ là không hề sớm nếu thời điểm này chúng ta nói về nó. Nhất là khi Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi đang được mang ra bàn thảo trong kỳ họp Quốc hội lần này. Và đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận mạnh mẽ liên quan đến cơ chế tài chính dành cho lĩnh vực khoa học và công nghệ.

 

Trong bối cảnh cơ chế tài chính đang là một nút thắt cho tiến trình phát triển khoa học và công nghệ như hiện nay, thì việc làm thế nào để có một nguồn tài chính dài hạn cho lĩnh vực khoa học công nghệ, làm thế nào để có thể giải ngân, và giải ngân như thế nào cho hiệu quả là câu hỏi mà khá nhiều nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp đã gửi tới cho chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” và mong muốn có lời giải đáp từ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân.

 

- Theo Bộ trưởng, chúng ta sẽ lấy kinh phí ở đâu đủ để có thế biến hoạt động khoa học và công nghệ trở thành một quốc sách lâu dài như mục tiêu chúng ta đang theo đuổi?

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: Từ năm 2000, Quốc hội đã phê chuẩn hàng năm dành 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Và trong hơn 10 năm qua, mức độ chi này vẫn được duy trì. Tuy nhiên ở Việt Nam chúng ta, việc huy động đầu tư nguồn lực xã hội dành cho khoa học và công nghệ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp hầu như không chịu đầu tư cho đổi mới công nghệ của chính họ, cũng như đóng góp vào cho sự phát triển chung khoa học công nghệ của đất nước.

 

Vì thế, lần này, Luật Khoa học Công nghệ sẽ quy định doanh nghiệp phải có nghĩa vụ dành một phần lợi nhuận của họ đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ. Và nhà nước sẽ ưu đãi miễn thuế cho phần đóng góp này của doanh nghiệp khoa học công nghệ.

 

- Vốn huy động quan trọng vẫn là huy động từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp đã gửi thư tới chương trình và phàn nàn, với cách quản lý tài chính như hiện nay và với các thủ tục rườm rà như hiện nay họ sẽ từ chối ngay lợi nhuận đầu tư cho khoa học công nghệ dù cho đầu tư chính doanh nghiệp của họ đi chăng nữa. Bộ trưởng suy nghĩ thế nào về những băn khoăn của doanh nghiệp?

 

Tôi cho là băn khoăn của doanh nghiệp rất chính đáng. Tôi cũng biết có rất nhiều doanh nghiệp muốn phần lợi nhuận, có thể một phần rất lớn của họ để đầu tư cho đổi mới công nghệ của chính họ. Tuy nhiên, với quy định hiện hành của chúng ta chỉ mang tính khuyến khích, và chỉ cho một giới hạn tối đa là 10% lợi nhuận trước thuế thì quả thực, ngay cả doanh nghiệp dù có trích cũng không thể đủ nguồn để làm những công việc đổi mới công nghệ của chính họ.

 

Thứ hai, quy định của chúng ta quản lý toàn bộ 100% phần kinh phí được trích ra để phát triển khoa học công nghệ như là quản lý phần ngân sách nhà nước. Trong khi trong thực tế, khi lập quỹ này và trích lợi nhuận trước thuế của họ ở quỹ này thì nhà nước chỉ cho có 25% thuế thu nhập doanh nghiệp. Hay nói khác đi, chỉ 75% phần còn lại là của doanh nghiệp. Và nếu như họ nộp thuế thì 75% này là lợi nhuận sau thuế và họ hoàn toàn có quyền sử dụng nguồn kinh phí này cho bất kỳ hoạt động nào của họ.

 

Nhưng nếu chúng ta quản lý 100% như ngân sách nhà nước thì đòi hỏi chế độ kế toán, chứng từ, hóa đơn như ngân sách nhà nước, nó là sự cản trở rất lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng nói với tôi, họ muốn đóng thuế còn hơn là phải trích quỹ cho khoa học công nghệ.

 

- Như Bộ trưởng vừa nói, rõ ràng có kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ đã khó rồi, nhưng đã có kinh phí, làm thế nào để tiêu được nó cũng không phải dễ. Có một nhà khoa học gửi thư tới chương trình và tỏ ý băn khoăn là, ông đã được mời tham gia vào một hội thảo khoa học. Ông cũng đã có một tham luận khá công phu và tốn nhiều chất xám vào đó, thế nhưng số tiền thù lao nhận được hơi thấp. Nhưng điều làm ông băn khoăn hơn cả đó là để nhận được đồng thù lao chính đáng đó, ông lại phải ký vào một loạt giấy tờ để hợp thức hóa nó. Vì sao ban tổ chức lại phải làm như vậy? Bộ trưởng có biết điều này không và Bộ trưởng nghĩ như thế nào về chuyện này?

 

Hiện tượng đó là một hiện tượng rất phổ biến và nhất nhiều người đã chứng kiến việc đó rồi. Kể cả các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước khi tham gia vào các đề tài nghiên cứu cũng đã phàn nàn với tôi như vậy. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ quy định của chúng ta, nó lạc hậu và không được cập nhật thường xuyên.

 

Chúng ta có quy định định mức để tham gia vào hội thảo khoa học, thậm chí là tham luận ở các hội nghị khoa học, phản biện ở hội nghị khoa học nhưng định mức rất thấp. Vì thế, với sự trượt giá và lạm phát tốc độ lớn như mấy năm vừa rồi thì định mức mà chúng ta thiết lập trong thời gian qua trở nên lạc hậu.

 

Vì vậy, các cơ quan tổ chức hội thảo sẽ phải bù đắp cho các nhà khoa học tham dự hội thảo bằng cách có thể nói là không trung thực là hợp thức hóa chứng từ, bằng việc yêu cầu, nài nỉ các nhà khoa học phải ký vài ba tờ. Tức là tổ chức một hội thảo mà làm như là tổ chức nhiều hội thảo. Và dùng kinh phí của nhiều hội thảo đó để hỗ trợ, bồi dưỡng cho các nhà khoa học tham gia hội thảo duy nhất. Đây là điều khiến giới khoa học rất bức xúc vì hơn ai hết giới khoa học muốn thể hiện tính khoa học, tính trung thực của mình chứ không muốn vì một lý do nào đó mà phải làm những việc trái với mong muốn.

 

- Cuối cùng, cứ giả định chúng ta có một nguồn kinh phí cho phát triển khoa học công nghệ quốc gia, cũng giả định chúng ta đã có một cơ chế tài chính công khai, minh bạch hơn, công khai và thông thoáng hơn để có thể giải ngân được số tiền đó. Nhưng điều gì có thể đảm bảo số tiền đó sẽ được đầu tư một cách hiệu quả, điều gì có thể giám sát được đồng tiền đó đi đâu, đi vào chỗ nào?

 

Nhà nước trước hết phải tin vào giới khoa học, giao quyền tự chủ cao nhất cho những người làm khoa học. Đồng thời, vừa rồi Chính phủ đã có chỉ đạo, chúng ta phải chuyển dần việc xây dựng các hoạt động công nghệ sang phương thức đặt hàng. Có nghĩa Nhà nước đứng ra đặt hàng các nhà khoa học để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Nhà nước. Khi đặt hàng như thế, Nhà nước đảm bảo về cung cấp kinh phí, đảm bảo tiếp nhận trở lại kết quả nghiên cứu khi thành công và Nhà nước tổ chức đưa kết quả nghiên cứu mới vào sản xuất, kinh doanh.

 

Thứ hai, chúng ta phải nâng cao chất lượng các hội đồng, kể cả hội đồng về tư vấn xác định nhiệm vụ cũng như các hội đồng về tuyển chọn, xét chọn, hội đồng đánh giá, nghiệm thu. Các nhà khoa học tham gia hội đồng ấy có chế độ thù lao thỏa đáng, và họ có trách nhiệm cao đối với nhận xét của họ.

 

Thứ ba, chúng ta phải yêu cầu giới doanh nghiệp phải vào cuộc. Giới doanh nghiệp cũng có thể đặt hàng cho các nhà khoa học. Doanh nghiệp cũng chính là nơi ứng dụng, tiếp nhận kết quả của các nhà khoa học, đưa nó và sản xuất kinh doanh.

 

Với tất cả những yếu tố đó, chúng tôi hy vọng thời gian tới, khoa học công nghệ sẽ có hiệu quả hơn so với hiện nay. Còn nếu chúng ta không chịu thay đổi, vẫn với cơ chế như hiện nay thì chúng ta sẽ không bao giờ khắc phục được những yếu kém của khoa học mà trong Nghị quyết Trung ương VI vừa rồi đã có đánh giá rất đầy đủ và chính xác. Nếu muốn thay đổi, chúng ta phải thay đổi trước hết là về cơ chế tổ chức và hoạt động, trong đó đặc biệt là cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi!

 


Nguồn tin: Vnmedia

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner