Bản in
Tâm huyết với ngành hạt nhân
Năm 1960 tốt nghiệp ngành Vật lý hạt nhân thực nghiệm tại ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tôi ở lại một năm thực tập tại Viện Năng lượng Nguyên tử Bắc Kinh, tháng 9/1961 về nước công tác tại Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

Đầu tháng 3/1962, tôi được cử sang Liên Xô tham dự một khoá học trong 3 tháng do Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúpna tổ chức, để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Tôi đã được đến thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới ở Obninsk khánh thành ngày 27/6/1954, ngồi xe lửa một đêm sáng trăng qua vùng thảo nguyên mênh mông của nước Nga đến bên bờ sông Đông êm đềm thăm công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân Novo-Voronej công suất 240.000 kW, lớn nhất thế giới hồi ấy.

Sau khi ở Liên Xô về, tôi được giao phụ trách Thư ký vụ Ban Toán - Lý Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, thay anh Lê Bá Hoan chuyển sang làm Giám đốc Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.

Tháng 5/1966, tôi được cử sang Viện Nghiên cứu hạt nhân thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đặt tại ngoại thành Thượng Hải. Khi tôi đến đấy thì đã thấy có bốn nghiên cứu sinh người Anbani đang học ở đấy. Hướng dẫn tôi là giáo sư Trương Gia Hoa đã tốt nghiệp tiến sĩ và giảng dạy ở trường Đại học Washington ở Mỹ. Trong hai năm ở Thượng Hải, tôi đã đến khoa Y học hạt nhân của Bệnh viện Nhân dân số 1 hàng ngày mặc áo blouse trắng xem các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh bằng chất đồng vị phóng xạ, đến thực tập tại Viện ứng dựng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp và Viện ứng dụng hạt nhân trong nông nghiệp, đồng thời cùng với các bạn Trung Quốc trong Viện nghiên cứu hạt nhân Thượng Hải nghiên cứu chế tạo thiết bị sử dụng chất đồng vị đánh dấu để phát hiện chỗ dò trong các ống dẫn dầu phục vụ cho ngành dầu khí.

Sau khi ở Trung Quốc về nước, tôi có báo cáo với đồng chí Trần Quỳnh, bí thư Đảng đoàn Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đề nghị đưa chất đồng vị phóng xạ vào sử dụng ở nước ta, trước tiên trong ngành y tế, sau sẽ mở rộng sang các ngành công nghiệp, nông nghiệp, v.v… Đồng chí Trần Quỳnh bảo tôi làm tờ trình lên Chính phủ. Ít lâu sau, tôi được lên dự cuộc họp của Thường trực Hội đồng Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh chủ trì. Tôi đã kể lại những điều mắt thấy tai nghe ở Trung Quốc và đề nghị Chính phủ cho chính thức nhập chất đồng vị phóng xạ về phục vụ cho kinh tế và đời sống ở nước ta. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh hỏi tôi xin bao nhiêu tiền, tôi nói xin 10.000 rúp. Ngày 27/8/1970 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 162KTQ cho kinh phí để nhập chất đồng vị phóng xạ vào sử dụng ở nước ta. Theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, tôi đã dựa vào các quy chế của Liên Xô và Trung Quốc để soạn thảo ra bản quy chế tạm thời về an toàn phóng xạ ở nước ta, bản quy chế này đã được ban hành theo Nghị định số 117-CP ngày 13/9/1972 của Hội đồng Chính phủ.

Để tuyên truyền phổ biến việc sử dụng chất đồng vị phóng xạ ở nước ta, tôi có viết một cuốn sách nhan đề “Ứng dụng các chất đồng vị phóng xạ” dày 200 trang, in 5125 cuốn do Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật xuất bản vào tháng 4/1972. Cuốn sách ra đời được khoảng 2 tháng thì ngày 8/6/1972, tôi nhận được một bức thư của một độc giả là Vũ Văn Tuyển, Viện Nghiên cứu khoa học Thủy lợi. Bức thư viết như sau:

Anh Đinh Ngọc Lân kính mến,

Tôi vô cùng thích thú được đọc cuốn sách “Ứng dụng các chất đồng vị phóng xạ” do anh biên soạn, một cuốn sách tuy giới thiệu sơ qua nhưng nói được rất nhiều lĩnh vực ứng dụng của chất đồng vị phóng xạ.

Là một người trước đây không làm phóng xạ, tôi bị cuốn sách của anh lôi cuốn và bây giờ tôi đã thành người làm phóng xạ, đang nghiên cứu ứng dụng các chất đồng vị phóng xạ vào ngành thủy lợi. Tôi luôn luôn cảm thấy rằng trong mỗi kết quả của chúng tôi thu lượm được đều có giọt mồ hôi của anh, đều có sự gợi ý ban đầu của anh thể hiện trong cuốn sách đó. Với ý nghĩa đó, tôi xin gửi anh lời cảm ơn chân thành và nồng nhiệt.

Năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, tôi được cử vào Ban Năng lượng của Đảng chuẩn bị cho Đại hội IV do đồng chí Nguyễn Chấn - Bộ trưởng Bộ Điện - Than làm Trưởng ban, được giao soạn thảo Đề án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta và được trực tiếp báo cáo bản đề án này với Bộ Chính trị. Trong bản đề án, tôi đã đề nghị nhờ Liên Xô giúp xây dựng một nhà máy điện hạt nhân có hai lò phản ứng VVER-440, công suất mỗi lò 440MW, đưa vào hoạt động vào hai năm 1985-1986. Liên Xô đã giúp xây dựng 22 lò phản ứng VVER-440 ở nhiều nước như Đông Đức, Bungari, Tiệp Khắc, Phần Lan, v.v.. Các lò phản ứng này đến nay vẫn hoạt động an toàn. Tôi nghĩ nếu như lúc ấy ta nhờ Liên Xô xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì đã có thể đi vào công nghệ điện hạt nhân sớm hơn và không phải khó khăn về năng lượng như hiện nay.

Mùa hè năm 1980, tôi đã được đi dự một lớp học quốc tế về điện hạt nhân do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Chính phủ Pháp tổ chức ở Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Quốc gia (INSTN) của Pháp. Lớp học đã kết thúc bằng một chuyến du khảo (Voyage d’étude) bằng xe buýt từ Paris xuống Marseille để thăm các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở xử lý chất thải phóng xạ.

Năm 1984, tôi được IAEA cho học bổng sang học ở Hà Lan. Trong thời gian ở Hà Lan, tôi có hoàn thành một công trình nghiên cứu về đo liều phóng xạ cao bằng phương pháp huỳnh quang và đã được báo cáo công trình này trong Hội nghị quốc tế về đo liều phóng xạ cao (High Dose Dosimetry) tổ chức tại Viên (Áo) ngày 5-9/11/1990. Công trình đã được in trong Tuyển tập (Proceedings) của Hội nghị xuất bản ở Viên năm 1991.

Trong một cuốn hồi ký nhan đề “Tổ Quốc” xuất bản năm 1999 trước khi mất, anh Vũ Đình Bông - kỹ sư điện tốt nghiệp ở Pháp về nước tham gia kháng chiến năm 1953, tiếp quản và làm giám đốc người Việt đầu tiên của Nhà máy điện Yên Phụ, sau làm Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Bộ Điện - Than, Đại biểu Quốc hội khoá IV và V, có viết:

Tôi vẫn còn nhớ vào thời buổi ấy, ở Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước có anh Đinh Ngọc Lân thường tổ chức những cuộc phổ biến hoặc đăng nhiều bài báo nói về những điểm tối ưu của điện nguyên tử. Anh đã giới thiệu sơ đồ từ lò phản ứng đến máy phát điện rất đại chúng dễ hiểu. Tôi coi anh như là người có công lớn trong việc truyền bá phổ cập trong nhân dân về tác dụng ưu việt của năng lượng nguyên tử. Khi trình bày ý nghĩa cả về kỹ thuật lẫn kinh tế của hiện tượng đốt cháy 1 kg nhiên liệu hạt nhân sẽ tỏa ra một năng lượng gấp hàng triệu lần khi đốt cháy nhiên liệu than, dầu... thì bài nói chuyện có tính khoa học thường thức của anh có sức hấp dẫn đối với đông đảo công chúng, đặc biệt là lớp trẻ đang háo hức vươn lên, khám phá...

Tôi đã được báo cáo về điện hạt nhân với Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ, báo cáo trong Hội nghị của Quân ủy Trung ương với sự có mặt của Đại tướng Văn Tiến Dũng và Đại tướng Hoàng Văn Thái, báo cáo với Đảng đoàn Bộ Công an, Đảng đoàn Bộ Năng lượng, báo cáo trong các trường Đảng, các trường Đại học, các cơ quan, nhà máy v.v...

Năm 2004, để chuẩn bị cho cuộc triển lãm điện hạt nhân quốc tế lần thứ nhất, Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội có nhờ tôi dịch khoảng 10 cuốn sách mỏng phổ biến kiến thức về năng lượng hạt nhân do Ủy ban nguyên tử Pháp (CEA) biên soạn để phân phát cho những người đến xem triển lãm. Những cuốn sách dịch này đã được in lại cho các lần triển lãm năm 2006, 2008.

Với sự tài trợ của Đại sứ quán Pháp, cuốn sách “Năng lượng nguyên tử và đời sống” của tôi đã ra đời năm 2004 tại Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, sách dày 364 trang, giấy trắng, bìa cứng, ảnh màu khá đẹp, in 2.000 cuốn. Năm 2006, cuốn sách được tái bản in 1.000 cuốn, cũng với sự tài trợ của Đại sứ quán Pháp.

Đầu năm 2008 tôi có dịp trở lại nước Pháp, thăm nhà máy điện hạt nhân Nogent-sur-Seine cách Paris chừng hơn 100 km. Nhà máy này có 2 lò phản ứng công suất tổng cộng là 2.600 MW (lớn hơn nhà máy thủy điện Hòa Bình của ta 1.920 MW) nhưng chỉ chiếm diện tích bằng một cái sân golf, nằm trên bờ sông Seine, bên kia sông là một vườn bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Tháng 1/2010, nhận lời mời của ông Tổng Giám đốc Tổng Công ty công nghiệp điện hạt nhân Trung Quốc, tôi có đến thăm Cơ sở điện hạt nhân Vịnh Đại Á (Daya Bay) trên bờ biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cơ sở này có 4 lò phản ứng đang hoạt động, mỗi lò 1000 MW và 2 lò đang xây dựng. Các bạn Trung Quốc cho biết hiện nay Trung Quốc đang xây dựng cùng một lúc 20 lò phản ứng 1000 MW do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo, giá thành chỉ có 1500 USD/kW. Đến nước Pháp là nơi mà tỷ lệ điện hạt nhân chiếm đến 80% và đến Trung Quốc có thể cảm nhận “hơi thở” mạnh mẽ của điện hạt nhân hiện nay trên thế giới.

Hiện nay tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Cadarache ở miền Nam nước Pháp đang xây dựng lò phản ứng nhiệt hạch thử nghiệm quốc tế ITER (International Thermonuclear Experimental Reactor), với sự hợp tác giữa Cộng đồng châu Âu, Mỹ, Canada, Nga, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc và với chi phí khoảng 12 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Có lẽ rằng đến nửa cuối của thế kỷ này nhà máy điện nhiệt hạch sẽ ra đời, cho một nguồn năng lượng dùng nhiều nghìn năm, sạch sẽ không có chất thải phóng xạ.

Trước sự cạn kiệt của các nguồn năng lượng cổ điển, trước nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu, năng lượng nguyên tử sẽ là nguồn bảo đảm tin cậy cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại.