Bản in
Cách nhìn mới về từ và từ vựng học tiếng Việt
Bằng những kiến giải khoa học, mới mẻ, có sức thuyết phục về khái niệm “từ” và tiêu chí nhận diện từ trong tiếng Việt, cụm công trình "Từ và từ vựng học tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Thiện Giáp đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010.

Xây dựng khung lí thuyết nhất quán và triệt để

Cụm công trình Từ và từ vựng học tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Thiện Giáp được nhận Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 bao gồm các công trình: “Từ vựng học tiếng Việt” (1985) và “Từ và nhận diện tiếng Việt” (1996).

Cuốn Từ vựng học tiếng Việt xuất bản lần đầu năm 1985, là một trong các giáo trình cơ bản của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV. Sách đã vận dụng những nguyên lí hiện đại trong từ vựng học và ngữ nghĩa học của thế giới vào việc giải quyết những vấn đề về từ vựng, ngữ nghĩa tiếng Việt được nghiên cứu và ở lĩnh vực nào công trình này cũng đã thể hiện những đóng góp riêng.

GS.TS Nguyễn Thiện Giáp (Ảnh: Internet)

Đóng góp của công trình thể hiện ở chỗ: đã cập nhật lí luận hiện đại của ngôn ngữ học thế giới vào nghiên cứu từ vựng và ngữ nghĩa tiếng Việt; đã miêu tả nghĩa học của từ vựng tiếng Việt một cách toàn diện; đồng thời, miêu tả khá rõ các lớp từ vựng tiếng Việt về các phương diện nguồn gốc, phạm vi sử dụng, mức độ sử dụng, miêu tả quá trình phát triển lịch sử cũng như các vấn đề chuẩn hoá của từ vựng tiếng Việt. Giáo trình này đã được nhiều trường đại học và cao đẳng trong cả nước sử dụng làm tài liệu giảng dạy. Năm 2010, cuốn sách được NXB Giáo dục tái bản lần thứ 10.

Từ và nhận diện từ tiếng Việt là kết quả của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Vấn đề nhận diện và phân loại các đơn vị từ vựng tiếng Việt" và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ "Từ và âm tiết trong tiếng Việt". Đây là một công trình công phu, có chất lượng tốt, đóng góp không nhỏ vào việc giải quyết một vấn đề hết sức quan trọng nhưng cực kì nan giải trong Ngôn ngữ học. Công trình đã chỉ ra sự chưa nhất quán, chưa hợp lí, chưa phù hợp với thực tế của những cách xác định từ và hình vị trong tiếng Việt. Trên cơ sở thành tựu của ngôn ngữ học hiện đại, tác giả đã đề xuất một giải pháp riêng nhằm khắc phục những nhược điểm nói trên.

Để xử lí vấn đề về định nghĩa và nhận diện từ tiếng Việt, GS.TS Nguyễn Thiện Giáp đã chọn phương pháp làm việc khá hợp lý là miêu tả, chứng minh theo phương pháp quy nạp. Bằng cách liệt kê tất cả mọi kiểu loại tiếng, cùng các kiểu kết hợp của chúng có thể có trong tiếng Việt hiện đại. Từ đó chứng minh và chỉ ra phẩm chất của từng loại tiếng, từng kiểu kết hợp để đi đến kết luận “từ của tiếng Việt là một chỉnh thể nhỏ nhất có nghĩa dùng để tạo câu nói, nó có hình thức của một âm tiết, một “chữ” viết liền.

PGS.PTS. Nguyễn Đức Tồn- Viện ngôn ngữ học- Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia cho rằng, cách làm việc đó đã giúp tác giả tránh được những thiên kiến chủ quan mà nhiều người đã phạm phải. Đó là tiền giả định những đơn vị từ vựng nào đó là từ tiếng Việt để chỉ ra những đặc điểm từ của nó, hay lại chứng minh tính chất từ của nó…

Cách nhìn mới cho Việt ngữ học

Theo đánh giá của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2010, Cụm công trình là thành tựu khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Việt ngữ học, là đóng góp quan trọng của tác giả trong việc vận dụng lý luận mới vào thời điểm công trình được công bố để giải quyết những vấn đề về ngữ nghĩa học và từ vựng học tiếng Việt với những kiến giải khoa học, mới mẻ, có sức thuyết phục về khái niệm ”từ” và về tiêu chí nhận diện nó trong tiếng Việt – là vấn đề vốn hết sức phức tạp.

Kết quả nghiên cứu của cụm công trình đã làm phong phú thêm lý luận về ”từ”, được sử dụng làm giáo trình giảng dạy đại học, sau đại học và làm tư liệu tốt cho các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Việt ngữ học.

PGS.TS Vũ Đức Nghiệu (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) khẳng định: “Đây là cụm công trình khảo luận những vấn đề lí luận chuyên sâu về từ và từ vựng tiếng Việt. Với hai công trình này, lần đầu tiên khung lí thuyết về định nghĩa và nhận diện từ nói chung, cũng như khung lí thuyết và định nghĩa, nhận diện từ của tiếng Việt nói riêng, được tổng kết đầy đủ; đồng thời đề xuất, áp dụng các khung lí thuyết đó một cách chặt chẽ, triệt để, nhất quán và có tính khách quan cao.

Những vấn đề lí luận mà hai công trình này đề xuất đã đem đến cho Việt ngữ học một cách nhìn nhận mới và lí giải mới đối với những vấn đề hữu quan cần giải quyết, nhờ xuất phát từ thực tiễn của chính Việt ngữ, phối hợp tốt với những quan điểm khoa học hợp lí trong lí luận ngôn ngữ học. Mặt khác, những vấn đề cần phải giải quyết đã được hai công trình này xử lí khách quan trên các chiều quan sát hỗ trợ nhau một cách biện chứng.

Hai công trình này thực sự là một bước tiến trong lĩnh vực nghiên cứu lí luận về từ và từ vựng tiếng Việt, nếu xét cả về tính chất mới mẻ lẫn tính chất hệ thống, triệt để và phù hợp với thực tiễn”.

GS.TS. Nguyễn Văn Khang cho rằng, cụm công trình có đóng góp xuất sắc cho nền Việt ngữ học nói riêng, cho ngôn ngữ học nói chung. Những kiến giải của tác giả trong cụm công trình được xây dựng trên cơ sở lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại. Định hướng nghiên cứu về từ tiếng Việt được nghiên cứu trong cụm công trình này có tác động sâu rộng đến việc nghiên cứu tiếng Việt. Công trình đã trở thành giáo trình giảng dạy nhiều năm trong nhà trường, đã được trích dẫn, sử dụng trong nhiều công trình khoa học liên quan.

Nhận xét về cụm công trình, GS.TSKH Nguyễn Lai viết: Kết quả cụ thể của cụm công trình có ý nghĩa thiết thực về mặt sư phạm, đồng thời thông qua cách nhìn động, tổng hợp, đồng đại không tác rời với lịch đại, nó gợi ra nhiều hướng đi có ý nghĩa về mặt phương pháp và phương pháp luận đối với quá trình nghiên cứu “tính đơn vị” (vốn là vấn đề hết sức phức tạp) trong ngôn ngữ học.

Trần Hồng