Bản in
Sản xuất giống cây trồng: cần mạnh dạn xã hội hoá
Mặc dù là nước nông nghiệp với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới như: gạo, cà phê, hồ tiêu…song việc sản xuất giống cây trồng của nước ta vẫn còn yếu kém, chủ yếu vẫn là nhập khẩu. Để giải bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng phải xã hội hoá lĩnh vực này mới mong thoát khỏi cảnh lệ thuộc vào nguồn giống. Song, dù xã hội hoá vẫn cần phải có sự quản lý của Nhà nước.

Chưa chủ động được nguồn giống nội

Việt Nam là nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo với sản lượng 6-7 tấn/năm. Tuy nhiên, tại hệ thống chợ đầu mối, siêu thị ở Việt Nam, sản phẩm của quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới là Thái Lan, vẫn xuất hiện với số lượng lớn. Mặt khác, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam thường thấp hơn so với gạo Thái Lan.

Lý giải về tình trạng này GS – TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: có nhiều lý giải cho việc gạo Việt Nam có giá bán thấp hơn so với gạo Thái Lan trong đó có phần do công tác giống chưa tốt. Mỗi địa phương đều có bộ giống riêng, dẫn đến toàn quốc hiện có hơn 700 giống lúa…Về mặt kỹ thuật, chất lượng hạt giống cũng chưa được quan tâm. Giống lúa chủ yếu do người dân tích trữ nên sau một vài năm giống cũng bị thoái hoá. Tình trạng thiếu giống lúa chất lượng cao đặc biệt là lúa lai vẫn đang là bài toán khó đặt ra đối với ngành nông nghiệp của nước ta.

GS-TS Nguyễn Văn Bộ cho biết thêm: Với lúa lai, do điều kiện khí hậu để sản xuất hạt lai, nhất là lúa lai 3 dòng gặp nhiều khó khăn hơn so với Trung Quốc nên giá thành giống nhập từ nước này khá cao. Hiện nay, giống sản xuất trong nước mới chỉ đạt 3.200-3.500 tấn, đáp ứng được khoảng 20-25% nhu cầu về giống lúa lai trong nước.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, những cây giống tốt, có năng suất, chất lượng cao ở nước ta vẫn còn thiếu. Ngoài cây lúa, khoảng 80 - 85% hạt giống lai, giống xác nhận của một số loại rau chủ lực như cà chua, dưa chuột, dưa hấu, đậu Hà Lan… vẫn phải nhập từ nước ngoài. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận ở một số cây trồng chủ lực khác cũng thấp như cây ăn quả, mía, dứa mới chỉ đạt 45%; lạc, đậu tương, cà phê 60%... Ngay cả giống cỏ để phục vụ chăn nuôi gia súc, chế biến thức ăn chăn nuôi cũng thiếu trầm trọng. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, chất lượng cỏ của Việt Nam còn thấp, cả nước có hơn 35.600ha diện tích đất cỏ tự nhiên, năng suất mới đạt 20 tấn/ha/năm; 200.000ha diện tích trồng cỏ thâm canh nhưng mới đáp ứng 10% nhu cầu thức ăn thô xanh cho gia súc trong nước. Những giống cỏ chất lượng cao hầu hết phải nhập từ nước ngoài.

Không chỉ thiếu về nguồn cung, hiện tượng thoái hóa giống cây trồng, nhất là những giống tốt, có thương hiệu của nước ta cũng đang gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp như thoái hóa giống cà phê ở Tây Nguyên, giống lúa ở các tỉnh phía Bắc…

Đẩy mạnh “xã hội hoá” sản xuất giống cây trồng

Sau gần 20 năm nghiên cứu, mới chỉ có 4 giống lúa lai ba dòng chọn tạo tại Việt Nam được công nhận chính thức (HYT83, HYT100, Bác ưu 903KBL, Nam ưu1) và 5 giống công nhận sản xuất thử (HYT92, Nam ưu 603, Nam ưu 604, CT16, LC25).

Đó là thành quả không thể phủ nhận, song công việc này được cho là chưa bền vững và chưa có bước đột phá về năng suất, chất lượng. Điều này đòi hỏi xã hội hóa khâu sản xuất giống cây trồng và đó là hướng đi tất yếu để tăng năng suất, phẩm chất cây trồng "Made in Việt Nam".

Ông Vũ Hồng Quảng (Viện Nghiên cứu lúa - ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng, để tháo gỡ bài toán khan hiếm giống cần có sự phối hợp giữa bốn "nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Nhà khoa học phải thực sự "lội ruộng", tham gia vào quá trình sản xuất giống, tạo ra nhiều giống lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, nhà doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc.

Không dừng lại ở đó, để đáp ứng được nhu cầu về giống cho bà con nông dân, cần phải sản xuất giống dự trữ quốc gia, nhất là những giống cây ngắn ngày, chịu hạn và kháng bệnh tốt. Để nâng cao chất lượng hạt giống khi gieo trồng, các địa phương cần phải kiểm tra trước khi phát giống cho nông dân. Quan trọng hơn vẫn là ứng dụng công nghệ sinh học, khai thác thế ưu thế lai, công nghệ chuyển ghép gen kết hợp với lai tạo và chọn lọc truyền thống để chọn tạo các giống lúa thích nghi với điều kiện bất lợi của khí hậu, đất đai, sâu bệnh,…

Bộ NN&PTNT đã có chương trình phát triển giống cây nông lâm nghiệp, vật nuôi, thuỷ sản đến năm 2020. Chương trình này sẽ góp phần khuyến khích các địa phương mở rộng sản xuất giống cây trồng trong nước để chủ động nguồn cung giống cho nông dân, thay thế cho giống nhập khẩu. Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh: phải xã hội hoá lĩnh vực này nếu không sẽ không đáp ứng được nhu cầu và không tiếp cận được thị trường. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, khi xã hội hoá thì giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi, thuỷ sản vẫn cần phải có sự quản lý của Nhà nước.

Đẩy mạnh “xã hội hoá” sản xuất giống cây trồng sẽ mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế mỗi đơn vị canh tác, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Ánh Tuyết