Bản in
Dấu ấn nổi bật của Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Úc
Quan hệ hợp tác Việt - Úc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, đặc biệt là các kết quả ấn tượng của Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Úc Aus4Innovaiton (A4I) đã tác động khá toàn diện và thực chất, thúc đẩy năng lực và sự gắn kết, hợp tác giữa các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và với các đối tác Úc.

Gắn kết và thích ứng

Năm 2017, Chương trình A4I do Chính phủ Úc tài trợ cho Việt Nam với tổng kinh phí 10 triệu đô la Úc, thực hiện trong giai đoạn 4 năm (2018-2022). Chương trình được đồng tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) và Innovation Xchange (IXC). Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO) quản lý Chương trình hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện.

Chương trình được thực hiện trong bối cảnh hợp tác giữa Úc và Việt Nam ngày càng được tăng cường, đổi mới sáng tạo đang được toàn cầu quan tâm đến cũng như đang được đặt ra là một trong những trụ cột để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Úc là một quốc gia có kinh nghiệm trong triển khai các chương trình về đổi mới sáng tạo, cũng như ở Việt Nam Bộ KH&CN và nhiều bộ, ban, ngành quan tâm đầu tư chuẩn bị thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhiều năm qua.

Với kinh nghiệm triển khai thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên nền tảng KH&CN, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình đào tạo tập huấn cho các cán bộ từ cán bộ chủ chốt cho đến cán bộ cơ sở, cán bộ nghiên cứu, doanh nghiệp làm thế nào để thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, các công nghệ đưa vào cuộc sống, đưa vào doanh nghiệp triển khai giá trị gia tăng và mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân ở Việt Nam. Vì vậy những kinh nghiệm của Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã chọn Bộ KH&CN làm đối tác để triển khai Chương trình này.

Chương trình tập trung vào 4 hợp phần, cụ thể:

Hợp phần 1: Xây dựng tầm nhìn chiến lược số (Digital Foresighting): Hợp tác với Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (SATI) để cung cấp dự báo về nền kinh tế số trong tương lai của Việt Nam 25 năm tới.

Hợp phần 2: Thương mại hóa kết quả nghiên cứu (SCP): Hợp tác với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC) nhằm tăng cường năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam thông qua xây dựng năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu và các công cụ thương mại hóa, hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm một cách hiệu quả.

Hợp phần 3: Cơ chế tài trợ cạnh tranh (Competitive Grants): Hợp tác với Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, cung cấp các gói tài trợ từ 100.000 đến 1 triệu đô la Úc cho các dự án hợp tác phát triển ý tưởng đổi mới sáng tạo đã được thử nghiệm giữa các viện, trường, doanh nghiệp Việt Nam và Úc, hướng tới phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hợp phần 4: Hỗ trợ chính sách về đổi mới sáng tạo (Innovation Policy): Hợp tác với Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (VISTI) với các mô hình và kinh nghiệm thực hành tốt nhất trong xây dựng chiến lược, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển  hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đến tháng 8 năm 2020, tại Cuộc họp song phương lần thứ hai đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Úc, Chương trình đã được chuyển đổi để đảm bảo có thể đáp ứng tốt nhất với bối cảnh mới và các nhu cầu mới nổi do tác động của đại dịch Covid-19 toàn cầu; mở rộng Giai đoạn 2 của Chương trình đến năm 2025.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Đồng Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình A4I

Trong giai đoạn chuyển tiếp 2021-2022, các sáng kiến mới của Chương trình bao gồm: Các dự án tài trợ và các gói công việc của hợp phần SCP được gia hạn (về cả thời gian và đầu tư) để mang lại nhiều tác động, kết quả hơn trong bối cảnh mới; Sáng kiến Trí tuệ nhân tạo (AI): bao gồm nhiều hoạt động từ giới thiệu các ứng dụng AI trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau đến hỗ trợ các ý tưởng đổi mới sáng tạo dựa trên AI thông qua Chương trình tăng tốc; Nền tảng Thị trường Đổi mới sáng tạo của Việt Nam: cùng thiết kế và thí điểm để tạo điều kiện cho các tổ chức nghiên cứu và công nghiệp khám phá khả năng đổi mới sáng tạo trong hệ thống và kết nối với nhau; Quan hệ đối tác Việt Nam và Úc trong lĩnh vực quản lý rác thải nhựa đại dương; và Các bài học quốc tế để mở rộng công việc giám sát và đánh giá hiện tại của Chương trình, cung cấp thông tin cho thiết kế Giai đoạn 2.

Thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam 

Đến nay, sau ba năm thực hiện, hai lực lượng đổi mới sáng tạo của Việt Nam và Úc trong khuôn khổ Chương trình đã hợp tác đồng sáng tạo và đạt nhiều dấu ấn nổi bật, từ việc thiết kế Báo cáo tương lai kinh tế số Việt Nam cho đến các mô hình kinh tế lượng đo lường tác động của công nghệ trong tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam với Cẩm nang hướng dẫn thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Cùng với đó là các hỗ trợ của chuyên gia Úc trong thiết kế các chỉ số đánh giá phục vụ xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đến năm 2030. Các dự án đổi mới sáng tạo của viện, trường, doanh nghiệp hai nước trong hai đợt tài trợ năm 2019 và 2020 cũng đã bước đầu mang lại kết quả đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn triển khai dự án.

Gần đây nhất là các sáng kiến thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ứng phó với đại dịch Covid-19, tổ chức Ngày hội AI Việt Nam 2020, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo về AI và tuyên truyền, xây dựng năng lực triển khai Chiến lược AI của Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể:

Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam” đã hoàn thành và công bố tháng 5/2019, được sử dụng, dẫn chiếu trong nhiều tài liệu, các diễn đàn kinh tế cấp cao. Các khuyến nghị của Báo cáo mở đường cho các hợp tác tiếp theo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, CSIRO và Đại học Queensland trong thiết kế mô hình kinh tế lượng đánh giá tác động của công nghệ và R&D tới năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Đội ngũ giảng viên về thương mại hóa kết quả nghiên cứu của Việt Nam đầu tiên được hình thành. Sổ tay hướng dẫn Thương mại hóa kết quả nghiên cứu bằng hai ngôn ngữ Anh - Việt đã được hoàn thành và xuất bản, ở cả định dạng in và trực tuyến. Đây là một cẩm nang thực tế hướng dẫn các nhà nghiên cứu quá trình thương mại hóa một cách có cấu trúc, bao gồm giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình thương mại hóa ở Việt Nam. Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trồng trọt được thành lập với sự hợp tác của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), tạo cơ chế kết nối doanh nghiệp nông nghiệp với các nhà nghiên cứu để cùng giải quyết vấn đề ở thị trường nước ngoài đối với trái cây ôn đới ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Về hợp phần “Cơ chế tài trợ cạnh tranh”: Đã tiến hành 3 đợt kêu gọi tài trợ (năm 2019, 2020 và 2021) với khoảng 270 đề xuất dự án từ các viện, trường, doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Australia. Có 8 dự án đã được lựa chọn tài trợ với tổng kinh phí 3.6 triệu AUD, trong đó 3 dự án đã kết thúc thành công đầu năm 2021. Hiện đang đánh giá đề xuất dự án cho đợt tài trợ năm 2021, với ngân sách khoảng 1.5 triệu AUD. Một số Dự án đã có kết quả nổi bật như: Dự án “Đẩy mạnh năng suất nuôi hải sâm giá trị cao bằng công nghệ sinh học mới”; Dự án “Cải thiện việc chẩn đoán ung thư vú tại Việt Nam”; Dự án “Chuyển giao mô hình nghiên cứu và ứng dụng trong xử lý nước và các hệ thống giám sát sử dụng công nghệ 4.0”.

Về hỗ trợ chính sách về đổi mới sáng tạo, với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia CSIRO, đã cung cấp cho Học viện VISTI 7 mô hình xuất sắc của Úc và kinh nghiệm thực tế phát triển Trung tâm đối mới sáng tạo, xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo hiệu quả ở Việt Nam. Hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Một nhóm tư vấn cấp cao đã được thành lập để làm việc với VISTI trong nhiệm vụ này, hỗ trợ kỹ thuật giúp lựa chọn các chỉ số STI và xác định các công nghệ ưu tiên.

Đánh giá về kết quả đạt được của Chương trình A4I, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Đồng Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình A4I cho biết, trong khuôn khổ Chương trình, Bộ KH&CN đã triển khai bài bản và quy mô với các bước tiếp cận từ vĩ mô cho đến vi mô, đến dự báo sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới, điển hình là báo cáo về tương lai kinh tế số ở Việt Nam. Đồng thời, Bộ đã triển khai cụ thể đến những đề án thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, những đề án thương mại hóa sản phẩm, tập huấn các mô hình trong các trường đại học về thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Với nhiều hợp phần khác nhau, có thể nói sau hơn 3 năm triển khai Chương trình A4I giữa Úc và Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của Việt Nam cũng như trong bước hoạch định chính sách và kế hoạch phát triển về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ, những báo cáo như báo cáo xác định rõ hàm lượng công nghệ trong mức độ về tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng năng suất lao động xác định rõ thành phần nào ở mỗi nhóm ngành là thành phần đã có tăng trưởng tốt, và thành phần cần phải tiếp tục xử lý những hạn chế yếu kém. Từ đó trong 10 năm tới trong Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam do Bộ KH&CN đang chủ trì thì sẽ đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy hơn nữa những kết quả đã đạt được của KH&CN Việt Nam.

Đồng thời, Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ, với kinh nghiệm về triển khai thương mại hóa, kết quả nghiên cứu khoa học của các chuyên gia, các trường đại học, viện nghiên cứu của Úc, hiện nay đã hình thành ra nhiều mối liên hệ, mối hợp tác giữa các đối tác Úc và đối tác Việt Nam. Cùng với đó là đào tạo, tập huấn được nhiều trường đại học, nhiều viện nghiên cứu và nhiều doanh nghiệp trong việc triển khai các mô hình để làm sao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được đi vào cuộc sống, thúc đẩy doanh nghiệp mang lại giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, cũng như trao đổi lại những bài học khó khăn, những thách thức trong quá trình triển khai tại Việt Nam đến với các đối tác Úc.

Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie đánh giá cao những kết quả tốt đẹp của Chương trình A4I và nhấn mạnh việc Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã quyết định tăng ngân sách cho Giai đoạn 1 của Chương trình Aus4Innovaiton thêm 3,5 triệu đô la Úc, nâng tổng ngân sách Chương trình lên 13,5 triệu đô la Úc giai đoạn 2017-2022, đồng thời, tái khẳng định việc triển khai Giai đoạn 2 của Chương trình đến năm 2035.

Từ việc hai nước đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo và việc Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc quyết định tăng ngân sách thêm 3,5 triệu đô la Úc cho giai đoạn 1 của Chương trình Aus4Innovaiton, thực sự là một nguồn lực quý giá để giúp hiện thực hóa các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong giai đoạn chuyển tiếp của Chương trình đến năm 2022 và tạo các tiền đề vững chắc hơn cho Giai đoạn 2 Chương trình đến năm 2025.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bùi Thế Duy tin tưởng rằng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và Bộ KH&CN Việt Nam sẽ hướng đến những nội dung hợp tác ở mức cụ thể hơn, với một diện rộng hơn, làm thế nào để đưa được kinh nghiệm triển khai về đổi mới sáng tạo, đặc biệt là triển khai đổi mới sáng tạo với những công nghệ mới nhất, xu thế mới nhất trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư như về internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, đến nhiều hơn nữa với doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chương trình A4I được triển khai hướng đến sự phát triển bền vững, liên kết bền vững giữa các đối tác Úc và Việt Nam cũng như tạo ra năng lực cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp Việt Nam để sau khi kết thúc chương trình có thể tiếp tục triển khai những kinh nghiệm đã học được từ đối tác Úc cho các chương trình tiếp theo. Thứ trưởng Bùi Thế Duy tin rằng, cách tiếp cận của Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc là một cách tiếp cận bền vững, hướng đến định hướng chính sách, dự báo tương lai, đào tạo nguồn nhân lực. Các kết quả của Chương trình sẽ được phát triển rộng rãi và triển khai bền vững ở Việt Nam.

Bài, ảnh: Bảo Chi