Bản in
Việt Nam – Italy thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Italy sẽ tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, mang lại các lợi ích thiết thực hơn nữa cho cộng đồng khoa học, doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Chiều ngày 06/5, tại Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã tiếp xã giao Ngài Antonio Alessandro, Đại sứ Italy tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, hai Bên đã cùng trao đổi định hướng hợp tác song phương về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tham dự buổi tiếp về phía Bộ KH&CN có Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Trần Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia Nguyễn Phú Bình; về phía Đại sứ quán Italy có ông Antoninoi Tedesco, Bí thư thứ nhất phụ trách thương mại và GS. Marco Abbiati, Tùy viên khoa học.

KH&CN có đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Italy trong lĩnh vực KH&CN. Thay mặt Bộ KH&CN, Bộ trưởng cảm ơn Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Đại sứ quán Italy tại Việt Nam đã luôn ủng hộ và thúc đẩy quan hệ hợp tác KH&CN với Việt Nam thời gian qua.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã chia sẻ với Đại sứ về thành tựu phát triển của Việt Nam và vai trò đóng góp của KH&CN. Bộ trưởng cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ở mức 2.9%, thuộc nhóm cao nhất thế giới; năng suất lao động tăng 6%; quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người vẫn tăng, đạt 271 tỷ USD và gần 2.800 USD. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng, năm 2020 đạt thứ hạng tốt nhất từ trước tới nay, dẫn đầu nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp. Số lượng sáng chế của Việt Nam tăng trung bình 12%, số lượng công bố quốc tế tăng 29% mỗi năm, lĩnh vực toán học và vật lý luôn đứng ở tốp đầu các nước ASEAN. Lực lượng KH&CN có đóng góp quan trọng trong những thành tựu phát triển đất nước, góp phần giúp Việt Nam từng bước kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Trao đổi về định hướng phát triến đất nước 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, KH&CN và đổi mới sáng tạo được Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định như một đột phá chiến lược, là động lực chính góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 xác định cần phát triển mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN trong nước để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, hợp tác và hội nhập quốc tế là một trong các giải pháp quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN. Với định hướng đó, Italy đã và sẽ là một trong các đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Italy trong lĩnh vực KH&CN. Hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Italy được đặt nền móng đầu tiên từ Hiệp định khung hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa hai Chính phủ năm 1990 và Nghị định thư hợp tác KH&CN ký kết năm 1992, có hiệu lực từ năm 1998. 

Trong hơn 20 năm qua, hai Bên đã tổ chức 7 Khóa họp Ủy ban hỗn hợp hợp tác KH&CN, triển khai 7 Chương trình hợp tác KH&CN song phương với hơn 90 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực Italy có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và phục vụ thiết thực phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; góp phần đưa hợp tác KH&CN trở thành một trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. 

Qua đó, các viện nghiên cứu, trường đại học hai Bên đã tạo lập được quan hệ hợp tác tốt đẹp. Hàng trăm lượt cán bộ, chuyên gia của Việt Nam và Italy được tham gia các chuyến khảo sát, học tập, trao đổi. Hàng chục nghiên cứu sinh tiến sỹ và thạc sỹ được đào tạo qua nghiên cứu. Nhiều bài báo khoa học được công bố trong nước và quốc tế. Ấn phẩm chuyên đề của Nhà Xuất bản Springer công bố mới đây về các công trình hợp tác nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học hai nước là minh chứng sinh động cho kết quả hợp tác KH&CN giữa hai nước. 

Toàn cảnh buổi tiếp

Hướng đến hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ và bảo tồn di sản

Đại sứ Antonio Alessandro chúc mừng Bộ trưởng và những thành tựu của Bộ KH&CN cũng như của Chính phủ Việt Nam đã đạt được hai mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế xã hội vừa phòng chống dịch bệnh. Đại sứ Antonio Alessandro bày tỏ vui mừng trước những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là sự đóng góp cũng như vai trò ngày càng được khẳng định của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội. Đại sứ Antonio Alessandro cho biết, hợp tác KH&CN được xác định là một trong những trụ cột của Chiến lược hợp tác song phương giữa Việt Nam và Italy. 

Đại sứ Antonino Alessandro cho biết chia sẻ kiến thức luôn là trọng tâm chiến lược ngoại giao khoa học của Italy. Italy tự hào là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao ở Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN vào năm 1990. Hợp tác KH&CN được xác định là một trong những trụ cột của Chiến lược hợp tác song phương giữa Việt Nam và Italy. Đại sứ khẳng định, đây là hợp tác rất hiệu quả và hi vọng hợp tác KH&CN đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của cả hai đất nước. 

Đồng thời, Đại sứ đề cập đến hai lĩnh vực sẽ mong muốn hợp tác với Việt Nam thời gian tới là vũ trụ và bảo tồn di sản. Đại sứ cho biết, Italy là một trong số ít các nước có chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vũ trụ với nhiều lĩnh vực khác nhau gồm: vệ tinh, phóng vệ tinh, quan sát trái đất, định vị, cuộc sống trong không gian. Italy cũng có thế mạnh trong bảo tồn di sản với nhiều công nghệ như: công nghệ bảo tồn, công nghệ phục hồi, công nghệ định giá kinh tế và giá trị du lịch.

Chia sẻ về vấn đề trên, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực vũ trụ và đã có đầu tư cho lĩnh vực này. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030. Bộ KH&CN đang chuẩn bị xây dựng Luật về vũ trụ. Sắp tới đây, Bộ KH&CN sẽ phụ trách quản lý nhà nước về lĩnh vực vũ trụ, còn Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam sẽ nghiên cứu các vấn đề trong lĩnh vực vũ trụ. Bộ trưởng cũng lưu ý, trong chiến lược vũ trụ, Việt Nam ưu tiên quan tâm đến công nghệ phục vụ cho viễn thông và viễn thám. Việt Nam có nhiều di sản cần bảo tồn, nên Bộ trưởng hi vọng Italy có thể hỗ trợ những công nghệ này. 

Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp thiết thực và có hiệu quả hơn nữa cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của cả hai quốc gia, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Đại sứ tiếp tục quan tâm và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục ủng hộ và dành nguồn lực tài chính trong khuôn khổ Nghị định thư giữa Bộ KH&CN với Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Bộ Đại học và Nghiên cứu Italy để hỗ trợ các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp của hai nước trong các lĩnh vực Việt Nam và Italy có nhu cầu và thế mạnh. Cùng với đó là thúc đẩy trao đổi đoàn, xây dựng năng lực, tăng cường giao lưu học thuật giữa khu vực hàn lâm hai nước và chia sẻ kinh nghiệm trong thiết kế, thực thi chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Bài, ảnh: Bảo Chi - Chí Kiên