Bản in
Mô hình Artemia giúp giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL
Artemia không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ dân thoát nghèo mà mô hình này còn tạo nhiều hiệu ứng tích cực cho môi trường, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, nhất là ở các tỉnh ĐBSCL.

Năm 2019, Tỉnh đoàn Bạc Liêu phối hợp với Trung tâm Khuyến nông thực hiện dự án “Thí điểm mô hình sản xuất Artemia cho người dân ở xã đặc biệt khó khăn nhằm thích ứng biến đổi khí hậu ở vùng bãi ngang ven biển huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu”.

Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu có 5 hợp tác xã nuôi Artemia, tính đến đầu năm 2020, diện tích sản xuất Artemia đạt hơn 160 ha/305 ha (khoảng 52%) trên tổng diện tích đất sản xuất Artemia.

Artemia là một loại giáp xác có kích thước nhỏ, phát triển tốt trong môi trường nước có độ mặn cao, do có nhiều dinh dưỡng nên trứng artemia được sử dụng làm thức ăn cho tôm sú giống.

Các nhà khoa học cho rằng, đây là mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, sản phẩm không có yếu tố độc hại, hạn chế dịch bệnh, cải tạo đất đai, tạo điều kiện cho việc phát triển nền nông nghiệp bền vững. Do ít tác động xấu nên Artemia rất thân thiện với môi trường, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, nhất là ở các tỉnh ĐBSCL.

Hiện các hộ nuôi mô hình Artemia có nhà đầu tư giống, vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất, được tập huấn kỹ thuật nên có thêm kiến thức, kinh nghiệm. Đặc biệt, mô hình này dễ chăm sóc, quản lý; giá thu mua sản phẩm ổn định, có nơi bao tiêu sản phẩm nên được rất nhiều người dân lựa chọn.

Nhằm giúp đỡ các hộ dân trong việc phát triển mô hình Artemia, UBND tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ 60 ha cho các hộ nuôi Artemia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Việc phát triển mô hình nuôi Artemia cũng là định hướng chiến lược cho Bạc Liêu nhằm phát huy thế mạnh và tạo nên một sản phẩm chất lượng trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường thế giới.

Mô hình Artemia còn góp phần đẩy mạnh mối liên kết bao tiêu sản phẩm, gắn nhu cầu sản xuất với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy mối liên kết kinh tế tập thể nhằm góp phần phát triển bền vững mô hình nuôi này tại địa phương.

Tin, ảnh: PV