Bản in
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Trung tâm công nghệ cao của cả nước
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc không chỉ tạo động lực phát triển cho Hà Nội mà của cả nước, đầu tư cho Hòa Lạc là đầu tư trọng điểm. Chính vì vậy, cần tập trung rà soát lại hệ thống cơ chế, chính sách để phát triển Khu CNC Hòa Lạc như đúng kỳ vọng.

 - Những năm gần đây, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ghi nhận nhiều dấu ấn trong việc phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đã có nhiều tích lũy để chứng minh rằng, đây chính là trung tâm công nghệ của Hà Nội và cả nước. Xin ông cho biết kết quả của công tác thu hút đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Trần Đắc Trung: Tính đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Khu CNC) đã thu hút được 94 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 89.300 tỷ đồng, trong đó 52 dự án đang hoạt động. Đã thu hút được các nhà đầu tư lớn, đủ tầm dẫn dắt các lĩnh vực công nghệ khác nhau trong Khu, cụ thể: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT,…), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec và Tập đoàn Nissan Techno (Nhật Bản); Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST).

Hiện nay, tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có khoảng trên 22.000 người đang học tập và làm việc, trong đó có khoảng gần 9000 học sinh, sinh viên và khoảng 13.000 người lao động (trong đó số lượng lao động có trình độ đại học trở lên trung bình đạt trên 50%, một số Dự án, tỷ lệ này đạt trên 90%).

Về nghiên cứu và triển khai (R&D), Khu CNC đã hình thành mạng lưới một số tổ chức nghiên cứu và triển khai (R&D) trong các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; Công nghệ sinh học,  trang thiết bị y tế, Công nghệ cơ khí chính xác, Công nghệ tự động hóa,…;

Nhiều sản phẩm công nghệ cao được sản xuất tại Khu CNC Hòa Lạc bao gồm công nghệ 4G, 5G, Rada cảnh giới biển; thiết bị y tế kỹ thuật số công nghệ cao; các dụng cụ cắt gọt công nghệ cao trong công nghiệp hàng không; cấu kiện động cơ máy bay; mô-tơ điện một chiều không chổi than; các giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn; Điện thoại thông minh; khuôn mẫu kỹ thuật chính xác công nghệ cao; các sản phẩm dược phẩm;…;

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang dần được hình thành; đã triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa; triển khai các Testlab về công nghệ như “IoT Innovation Hub”,… 

Trong thời gian tới, khi Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được Chính phủ thành lập, đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, có thể sẽ thu hút các nguồn lực để tăng cường hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và Việt Nam nói chung.

-Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đón nhận nguồn đầu tư như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đắc Trung: Để đón đầu làn sóng đầu tư đang dịch chuyển từ Mỹ, Châu Âu sang khu vực Châu Á sau đại dịch Covid-19. Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phải đáp ứng quy hoạch chung điều chỉnh và quy hoạch chi tiết các khu chức năng; đồng thời đáp ứng các tiêu chí đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được quy định tại các Văn bản pháp luật của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ,…;
 
Thu hút đầu tư vào công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao mà đất nước cần tập trung phát triển, lĩnh vực mà thị trường đang và sẽ có nhu cầu lớn; Trong đó có một số nội dung định hướng thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo hướng “3 cao, 3 thấp” là: công nghệ cao, vốn đầu tư cao, mang lại giá trị gia tăng cao; ảnh hưởng đến môi trường thấp, nhu cầu sử dụng lao động thấp, nhu cầu sử dụng năng lượng và tài nguyên thấp.

- Theo ông, làm thế nào để Khu CNC Hòa Lạc thực sự là nơi khởi nghiệp tốt nhất cho công nghệ cao?
 
Ông Trần Đắc Trung: Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế hóa các cơ chế chính sách liên quan đến khu công nghệ cao trong các Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật xây dựng, các Luật thuế; Cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính;…cần đẩy mạnh tập trung kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, lan tỏa về công nghệ, tạo nền tảng và cơ sở để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao khác;
 
Đặc biệt hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: thúc đẩy các hoạt động ươm tạo, đào tạo; thực hiện một số chính sách hỗ trợ hoạt động ươm tạo; liên kết chuỗi hoạt động đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao; … ;
 
 
Ngoài ra, một giải pháp quan trọng đó chính là Khu công nghệ cao đẩy mạnh mối liên kết giữa: các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp, thị trường dưới sự bảo hộ và thúc đẩy của nhà nước để tạo ra các công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao.

-  Trong quá trình triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được thì Khu CNC vẫn còn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, ông có thể có biết một số nguyên nhân chính? 
 
Ông Trần Đắc Trung: Đúng vậy, từ khi thành lập Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, hạ tầng còn phải xây dựng. Mặc dù hiện nay mặt bằng đã cơ bản được giải phóng để đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, nhưng vẫn còn xa so với kỳ vọng.
 
Bên cạnh đó, vị trí của Khu còn xa Trung tâm trong khi hạ tầng giao thông kết nối còn hạn chế nên ảnh hưởng đến việc thu hút nhân lực làm việc tại Khu.
 
Ngoài ra, giai đoạn trước, khâu giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng là chủ đạo nên việc thu hút đầu tư và hoạt động nghiên cứu – triển khai, hoạt động sản xuất công nghệ cao phải đi theo tiến độ của GPMB và Xây dựng hạ tầng. Đây có thể nói là nguyên nhân chính cho việc chậm thu hút đầu tư giai đoạn trước;
 
Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay, chúng tôi lựa chọn các dự án phù hợp để đầu tư vào Khu, lấy chuỗi liên kết: Trường đại học, tổ chức nghiên cứu – triển khai, doanh nghiệp dưới sự định.hướng và hỗ trợ của nhà nước làm chủ đạo. Mục tiêu là hình thành được các công nghệ cao mới, các doanh nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm công nghệ cao để đóng góp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao cho thị trường.
 
-  Ông có thể cho biết những trọng tâm cần tập trung đẩy mạnh của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2020?
 
Ông Trần Đắc Trung: Thời gian tới chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hạ tầng chính toàn Khu, đảm bảo tiếp nhận và thu hút được các dự án đầu tư mới của các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Khu.
 
Bên cạnh đó, hoàn thiện một số chính sách quan trọng để thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại nơi đây; Tăng cường, đổi mới trong hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động của các tổ chức đào tạo, các tổ chức nghiên cứu – triển khai nhằm hướng đến mục tiêu hình thành một số nghành mũi nhọn của Khu, từ khâu R&D đến sản xuất sản phẩm;
 
Hoàn thiện các dịch vụ tiện ích trong Khu: Tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng xã hội như nhà ở, bệnh viện,…; xây dựng khu Logistic phù hợp nhu cầu thực tế, cung cấp các dịch vụ công tiện ích đồng thời tiến hành cải cách hành chính để thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư.
 
Xin cảm ơn ông.
 
Bài, ảnh: PV