Bản in
Techmart – Techfest Mekong 2019: nơi gặp gỡ của doanh nghiệp và công nghệ
Lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sự kiện Chợ Công nghệ - thiết bị và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Techmart - Techfest Mekong) tại Cần Thơ. Hơn 800 công nghệ với hơn 200 gian hàng của các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ tiêu biểu tập trung vào hai ngành công nghiệp của vùng là công nghiệp chế biến lương thực, chế biến thuỷ, hải sản quy tụ tại đây. Bên lề sự kiện, phóng viên đã có dịp trao đổi với ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN.

PV: Vì sao Bộ KH&CN lại chọn Cần Thơ là điểm tổ chức sự kiện lần này, thưa ông?

- Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cùng với Cục Thông tin KH&CN quốc gia thuộc Bộ KH&CN đã kết hợp với Sở KH&CN TP. Cần Thơ tổ chức sự kiện Techmart - Techfest Mekong 2019. Việc lựa chọn Cần Thơ cũng là mong muốn của Ban Tổ chức nhằm giới thiệu công nghệ, dây chuyền, thiết bị của các viện nghiên cứu, trường đại học trong vùng và trên cả nước, qua đó giúp cho các doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu.

Đây cũng là cơ hội thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đâu đó tôi thấy có những ý tưởng tốt, sản phẩm tốt cúa doanh nghiệp khởi nghiệp. Những ý tưởng, sản phẩm như vậy sẽ giúp cho sự phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL nói chung và của tỉnh Cần Thơ nói riêng. Chúng ta biết rằng Cần Thơ có nhiều thế mạnh về sản xuất lương thực, lúa gạo xuất khẩu, thủy hải sản. Đây là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Cần Thơ cũng như của cả nước. Vì vậy, thông qua sự kiện này, chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu với doanh nghiệp những công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản - những công nghệ giúp tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Chúng tôi mong muốn trong khuôn khổ hai ngày diễn ra sự kiện, các doanh nghiệp tại Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung sẽ tìm được những thiết bị, công nghệ cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng tôi hy vọng họ sẽ gặp được các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư cho dự án khởi nghiệp của mình.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại ĐBSCL?

- Chúng tôi đánh giá vùng ĐBSCL, trong đó có Cần Thơ, là vùng năng động, có nhiều lực lượng trẻ là sinh viên vì ở đây có nhiều trường đại học. Với nguồn nhân lực dồi dào, tôi hy vọng hệ sinh thái khởi nghiệp của Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung sẽ phát triển mạnh, đi cùng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.

Tôi vừa tham quan một loạt các gian hàng các doanh nghiệp khởi nghiệp có rất nhiều ý tưởng tốt. Điều quan trọng ở đây là ý tưởng phải xuất phát từ đời sống, từ thực tiễn, từ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tôi vừa trao đổi với một bạn trẻ có suy nghĩ về việc thay đổi trồng lúa bằng loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, đó là chè. Hiệu quả cao hơn là do cách thức sản xuất thay đổi. Như vậy, một ý tưởng mới với một cách thức sản xuất mới cũng trên cùng một diện tích đem lại hiệu quả gấp 10 lần so với trồng lúa hiện nay, đem lại lợi ích cho chính người trồng, tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong khuôn khổ Techfest Mekong còn có rất nhiều ý tưởng, dự án được đem đến Cuộc thi chung kết. Những ý tưởng, dự án đạt giải Nhất, giải Nhì của vùng ĐBSCL sẽ được tham gia cuộc thi tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019 (Techfest Vietnam 2019), dự kiến diễn ra từ ngày 4-6/12 tại Quảng Ninh. Như vậy, những ý tưởng tốt nhất của mỗi vùng sẽ có cơ hội tranh tài tại cuộc thi khởi nghiệp quốc gia với quy mô lớn hơn nhiều. Chúng tôi sẽ mời chuyên gia nước ngoài cùng tham dự để xem xét, đánh giá những ý tưởng nào hay cần vốn từ các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư trên thế giới. Chúng tôi cũng mời các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài đến Techfest Vietnam 2019 để tìm hiểu, tiến tới kết nối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển và ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của vùng ĐBSCL, tôi thấy hoạt động KH&CN của vùng khá sôi động. ĐBSCL có Viện lúa Ô Môn. Viện trưởng Viện lúa cho chúng tôi biết, cơ bản hiện nay ở Viện lúa có 200 ha chuyên để sản xuất giống cung cấp cho cả vùng này. Tất nhiên Viện lúa Ô Môn chưa cung cấp đủ nhưng đã đáp ứng phần lớn nhu cầu về giống. Theo các cán bộ ở Viện, họ đã nghiên cứu được giống lúa chịu được mặn 4 phần nghìn. Điều đó giúp cây lúa thích nghi tốt hơn với sự biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL.

Viện lúa ĐBSCL đã và đang tạo ra nhiều giống lúa mới và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra năng suất, chống chọi với sâu bệnh. Chúng tôi đánh giá rất cao công sức của các nhà khoa học và sự đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở đây. Tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy dần dần những kết quả ấy được chuyển giao, áp dụng vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo những bước chuyển mới giúp cho kinh tế xã hội của Cần Thơ nói riêng vùng ĐBSCL nói chung phát triển một cách bền vững.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng thăm một số gian hàng tham gia Techmart – Techfest Mekong 2019 (Ảnh: Ngũ Hiệp)

PV: Việc áp dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch của vùng này cũng chưa nhiều, theo Thứ trưởng, thời gian tới cần tập trung nghiên cứu theo  hướng nào?

- Chúng ta đã nghiên cứu thành công nhiều giống lúa chất lượng cao, tuy nhiên khi có sản phẩm tốt rồi, khâu thu hoạch bảo quản là rất quan trọng. Tôi biết công nghệ chế biến và giữ lúa ở trong các tháp đang được ứng dụng tại vùng ĐBSCL, như tại doanh nghiệp của anh Huỳnh Văn Thòn, anh Năm Nhã hay một số đơn vị khác. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, làm sao để các sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài. Điều đó Bộ KH&CN cùng với các bộ, ngành sẽ cùng nhau hỗ trợ bà con nông dân thực hiện tốt hơn việc áp dụng công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến sau thu hoạch đối với sản phẩm nông nghiệp.

Tri thức mới tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm để đất nước phát triển bền vững. Tôi hy vọng Cần Thơ là vùng nông nghiệp, vùng xuất khẩu thủy hải sản lớn, khi chúng ta đưa công nghệ, đưa khoa học vào sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của Cần Thơ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bảo Chi (thực hiện)